ABBANK 29 năm hành trình của niềm tin

ABBANK 29 năm hành trình của niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “ABBANK đang chuẩn bị bước sang tuổi 30 trong tâm thế đổi mới cùng niềm tin vững chắc rằng những giá trị bền vững phải đến từ khách hàng”.

Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã chia sẻ như vậy trong một cuộc nói chuyện về hành trình xây dựng và phát triển ABBANK trước ngưỡng tuổi 30.

Đến ngày 13/5/2022, ABBANK tròn 29 năm tham gia thị trường Việt Nam với câu chuyện riêng cùng một triết lý kinh doanh rõ ràng. Suốt quá trình đó, ABBANK đã có nhiều đóng góp vào quá trình cung cấp các sản phẩm tài chính, ngân hàng đến người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Hãy cùng tìm hiểu về hành trình 29 năm trưởng thành của ABBANK.

Thưa ông, 29 năm không phải là quãng đường ngắn. Trong ngần ấy thời gian, ABBANK đã có những mốc thời gian nào đáng nhớ nhất trên chặng đường phát triển của thương hiệu?

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Cách đây 29 năm, ABBANK khởi đầu với 1 tỷ đồng vốn điều lệ, 1 điểm giao dịch và 34 cán bộ nhân viên. Đến nay, ABBANK đã phát triển lớn mạnh với vốn điều lệ hơn 9.400 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 129.000 tỷ đồng (tính đến hết quý I/2022), cùng mạng lưới 165 điểm giao dịch rộng khắp và đội ngũ gần 4.000 cán bộ nhân viên.

Trong suốt hành trình trưởng thành ấy, chúng tôi đã trải qua rất nhiều cột mốc tăng trưởng quan trọng.

Đó có thể là thời điểm lần đầu tiên tổng tài sản ABBANK vượt 1 tỷ USD (hơn 16.000 tỷ đồng) vào năm 2007, hoặc khi ABBANK trở thành đối tác chiến lược của những tổ chức tài chính quốc tế như Maybank (năm 2008), IFC (năm 2013). Đó cũng là lúc ABBANK được công nhận là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai được dịch vụ thanh toán tiền điện trên hệ thống ATM/POS của Ngân hàng dành cho chủ sở hữu thẻ Visa vào năm 2015, hoặc thời điểm mạng lưới mở rộng trên khắp 34 tỉnh thành với 165 điểm giao dịch; đạt các mốc về việc tuân thủ tỷ lệ kiểm soát nợ xấu, triển khai đồng bộ khung Quản trị rủi ro Basel II và tiến tới Basel III; đưa năng suất lao động bình quân đạt và vượt mức bình quân ngành…

Hay như gần đây nhất, ABBANK đã gần đạt mốc 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ đầu năm 2022, đánh dấu sự phát triển về quy mô của ngân hàng ở một mức độ cao hơn.

Chủ tịch HĐQT ABBANK - Ông Đào Mạnh Kháng

Chủ tịch HĐQT ABBANK - Ông Đào Mạnh Kháng

Thời gian gần đây ABBANK nói nhiều hơn đến sự đổi mới và đột phá thay vì sự bền vững trong chiến lược phát triển lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Đó là có phải là một sự “thức tỉnh”?

Nếu bạn muốn gọi là thức tỉnh cũng được. Còn với ABBANK, chúng tôi luôn đặt mình trong dòng chảy thị trường để từ đó cân đối các chủ trương hành động. Ở mỗi thời điểm, khi đặc điểm thị trường đã khác đi dưới tác động của nhiều yếu tố mà gần đây nhất là đại dịch Covid, chúng ta cần một định hướng kinh doanh phù hợp hơn để thay thế. Chiến lược phát triển bán lẻ của ABBANK vì thế cũng mang một màu sắc mới.

Đổi mới là tinh thần cần thiết của người làm kinh doanh, đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đã là một tổ chức trên thị trường, ABBANK không thể để vị thế của mình bị tụt lại phía sau. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, bên cạnh những giá trị bền vững cùng thương hiệu “An Bình là bình an”, bạn sẽ nghe thấy ở ABBANK những thông điệp kinh doanh có tính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hướng tới sự đột phá nhiều hơn.

Giá trị cốt lõi là nền tảng để định hướng hành động một tổ chức. Được biết đầu năm nay ABBANK đã thông báo thay đổi hệ giá trị cốt lõi cùng nhiều điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức. Sẽ có những thay đổi gì sắp tới trong hành động thưa ông?

Trong bộ giá trị cốt lõi mới mà ABBANK vừa ban hành làm kim chỉ nam cho cán bộ nhân viên toàn hệ thống, “khách hàng là trọng tâm” được nhấn mạnh trong mọi hoạt động của ngân hàng. Điều đó không có nghĩa cho đến bây giờ khách hàng mới là ưu tiên số một của ABBANK, mà nó mang một ý nghĩa khẳng định rõ ràng hơn, ABBANK đang chuẩn bị bước sang tuổi 30 trong một tâm thế mới cùng niềm tin vững chắc rằng những giá trị bền vững phải đến từ khách hàng.

Vài năm trở lại đây, ABBANK đã và đang thực hiện nhiều thay đổi, tiếp cận tư duy kinh doanh linh hoạt, thay đổi cơ cấu tổ chức và vận hành, tham gia cuộc đua chuyển đổi số toàn diện từ hệ thống nội bộ cho đến sản phẩm dịch vụ khách hàng, và đặt ra những mục tiêu kinh doanh thử thách (trong giai đoạn chiến lược 2021 - 2025) cho cả hệ thống… Và chắc chắn ABBANK sẽ còn nhiều đổi mới hơn nữa trong thời gian tới, để mọi tiến trình chuyển đổi đang diễn ra sẽ gặt hái thành công không chỉ bề rộng mà cò n ở chiều sâu.

Chuyển đổi tư duy là một yếu tố quan trọng mà rất nhiều tổ chức hướng đến nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được. ABBANK đã chuẩn bị những gì và đang làm được gì?

Cái lớn nhất mà ABBANK đã chuẩn bị là sự quyết tâm và đồng lòng của tất cả nhân sự các cấp trên toàn hệ thống. Từ Ban lãnh đạo cấp cao đến toàn thể cán bộ nhân viên đều đã thống nhất một thông điệp cũng như cách hiểu về định hướng phát triển của Ngân hàng.

Đội ngũ nhân sự là tài sản giúp ABBANK chinh phục các mục tiêu

Đội ngũ nhân sự là tài sản giúp ABBANK chinh phục các mục tiêu

Trong các hành động cụ thể, ABBANK đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban nội bộ và đơn vị kinh doanh trong mạng lưới lên một mức cam kết cao hơn, để mọi vấn đề phát sinh trong công tác kinh doanh, vận hành phải được giải quyết một cách triệt để. Thực tế cho thấy cách làm này đang mang lại hiệu quả khác biệt cho ABBANK. Chúng tôi đã liên tục tăng quy mô vốn, tăng tổng tài sản, nâng cao chất lượng tài sản, thu hút liên tục lượng khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện hữu… Nhìn vào các con số trong báo cáo kết quả kinh doanh những năm gần đây bạn sẽ thấy sự thay đổi này.

Điều quan trọng nữa của việc chuyển đổi tư duy chính là yếu tố con người. Các năm gần đây, ABBANK đầu tư mạnh mẽ vào việc bồi dưỡng chất lượng nhân sự, khẳng định giá trị cốt lõi “Nhân sự là tài sản”. Cụ thể, ABBANK đã thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ cạnh tranh, cơ chế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của cán bộ nhân viên, đáp ứng tốt cho nhu cầu tiếp cận công nghệ hiện đại theo định hướng chuyển đổi số, triển khai ngân hàng số và cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.

Qua những lời ông kể, tôi tưởng tượng cả hệ thống ABBANK đang trong một bầu không khí rất khẩn trương, sôi nổi và nhiệt huyết.

Đúng vậy! Khi đã đặt mục tiêu phải thay đổi trong tư duy, phải đột phá trong hành động và hướng đến những thành công về hiệu quả kinh doanh, toàn bộ nhân sự của bộ máy ABBANK đang rất quyết tâm, nỗ lực thực hiện.

Chúng tôi muốn khẳng định mình tiếp tục là một tổ chức tài chính uy tín, có khả năng thích ứng trước những khó khăn, hơn hết là có đủ năng lực và điều kiện để trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường.

29 năm là một chặng đường đủ trưởng thành để có những cơ sở niềm tin vững chắc nhưng vẫn đủ trẻ trung cho sự đổi mới, sẵn sàng cho một cột mốc 30 năm đẹp đẽ và nhiều dấu ấn sắp tới.

Tin bài liên quan