Tốc độ đô thị hóa nhanh và các hoạt động kinh tế ngày càng phát triển đang tạo ra áp lực đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam, thưa ông?
Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam được dự báo tăng với tốc độ 8,5% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 79.350 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.
Việc phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính, huy động được vốn đầu tư xã hội, giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu, khí có nhiều biến động mạnh những năm qua.
Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng cao, nguồn điện Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn nhất định, như đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao với mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng gồm năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không sớm chuyển dịch và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong tương lai, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng của thế giới.
Vai trò của các doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp năng lượng như ABB trong quá trình chuyển dịch năng lượng là gì? Công nghệ của ABB sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các thách thức như thế nào?
Sau 3 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, ABB, với giải pháp hàng đầu về công nghệ, đã và đang đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Sản phẩm và giải pháp điện của ABB có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố. ABB là nhà cung lớn nhất về hệ thống điện trong ngành mỏ, giấy, xi măng, hóa chất. Công nghệ điện của ABB hiện diện tại các tòa nhà lớn của Nhà nước và tư nhân.
Các sản phẩm và giải pháp công nghệ điện của ABB giúp khách hàng tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, nâng cao an toàn, vận hành tối ưu và cắt giảm chi phí; thúc đẩy điện khí hóa an toàn thông minh và bền vững, cắt giảm phát thải thông qua nhiều dự án trọng điểm của ngành điện, các ngành công nghiệp.
Bản chất của năng lượng tái tạo là không liên tục và tạo thách thức cho lưới điện. ABB có các giải pháp kỹ thuật để có thể xử lý vấn đề này, như Hệ thống Lưu trữ năng lượng (BESS). Đồng thời, các nhà vận hành lưới điện cũng cần kết hợp các hệ thống điều khiển để giám sát nguồn điện và đây là lĩnh vực mà chúng tôi muốn hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam.
ABB cũng cung cấp giải pháp toàn diện gồm hệ thống cấp điện, trụ sạc, phần mềm, quản lý trạm sạc và quản lý năng lượng, giúp khách hàng tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống sạc, đồng thời giảm chi phí, đóng góp vào nền kinh tế ít phát thải carbon.
Việc phát triển hệ thống tích trữ năng lượng khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng cao là xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, cơ hội và rào cản cho đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng là gì?
Hệ thống lưu trữ năng lượng là một trong những mảnh ghép còn thiếu của phát triển điện mặt trời và điện gió, nhất là khi chính sách khuyến khích của Chính phủ hướng tới tính hiệu quả, cạnh tranh hơn. Công nghệ tích trữ năng lượng đang phát triển với tốc độ nhanh, dần trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, cho phép tạo ra hệ thống điện sạch hơn, giảm phát thải CO2, giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Trong đó, công nghệ tích trữ năng lượng được ưu tiên hàng đầu hiện nay là hệ thống tích trữ năng lượng BESS.
Cơ hội và nhu cầu phát triển của hệ thống tích trữ năng lượng rất lớn, không chỉ ở Việt Nam, vì năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số địa phương. Đáng nói là, phụ tải tiêu thụ tại phần lớn các địa phương này lại nhỏ, gây quá tải hệ thống truyền tải điện. Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực… vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Hệ thống lưu trữ năng lượng có thể giải quyết một số vấn đề như chống sự quá tải lưới điện do các nguồn điện năng lượng tái tạo gây ra, ổn định tần số, giảm yêu cầu dự phòng công suất điều tần của các tổ máy phát điện trong hệ thống và điều chỉnh, dịch chuyển biểu đồ phụ tải giữa các chế độ cao điểm/thấp điểm của hệ thống.
Việc ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng vẫn gặp không ít khó khăn do các rào cản về cơ chế chính sách; thủ tục quy hoạch; thiếu văn bản quy định, hướng dẫn về mô hình dịch vụ phụ trợ hệ thống điện của các loại hệ thống lưu trữ năng lượng… Vì vậy, Chính phủ nên có cơ chế trợ giá cho việc đầu tư hệ thống BESS hoặc điều chỉnh giá ưu đãi mua điện cho các dự án điện năng lượng có kèm theo hệ thống BESS.
Những thay đổi đang diễn ra trong ngành năng lượng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về các giải pháp và thiết bị thông minh để điều khiển và bảo vệ trạm điện phân phối. Vậy các giải pháp nào để giải quyết các thách thức này và ABB có kiến nghị gì để đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ số hóa trong trong lĩnh vực năng lượng?
Giải pháp khả thi nhất để tích hợp các nguồn năng lượng này là tự động hóa. Bởi thế, không gian của các trạm điện phân phối dần được lấp đầy bằng các thiết bị điện tử khác nhau từ nhiều nhà cung cấp. Điều này gây nên những trở ngại về công tác bảo trì và chi phí trong vận hành mạng lưới, bởi tất cả các thiết bị này đều cần được chăm sóc thường xuyên.
Việc thúc đẩy sự phát triển của nền tảng số hóa là yếu tố then chốt giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề về tăng trưởng nhu cầu năng lượng và thách thức liên quan. Tận dụng dữ liệu để tăng năng suất năng lượng, giảm mức tiêu thụ và chi phí sẽ giúp các tổ chức đạt bền vững môi trường thông qua giảm thiểu lượng khí thải.
Tất cả các sản phẩm của ABB đều được đặt theo tiêu chí phát triển bền vững, do đó tiêu chí về tiêu thụ điện được đặt lên hàng đầu, các thiết bị và giải pháp của ABB giúp giảm chi phí vận hành khoảng 20% so với chi phí dự tính ban đầu.
Để đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ số hóa trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ và các cơ quan cần có lộ trình rõ ràng với những cơ chế phù hợp khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, bao gồm các chính sách ưu đãi về tài chính, giảm thuế suất trong một khoảng thời gian nhất định cho doanh nghiệp, khuyến khích thúc đẩy hỗ trợ đào tạo thế hệ kỹ sư mới, kết hợp với các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến.