Sự gắn bó của các nhân viên với AASC không phải vì đồng lương, mà vì họ yêu quý Công ty, yêu môi trường làm việc đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau

Sự gắn bó của các nhân viên với AASC không phải vì đồng lương, mà vì họ yêu quý Công ty, yêu môi trường làm việc đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau

AASC: Khát vọng “màu cờ, sắc áo” kiểm toán Việt

(ĐTCK) Tòa nhà 9 tầng số 1 Lê Phụng Hiểu, tổng hành dinh của AASC, không mang dấu hiệu nào cho thấy tuổi 20 bởi nó liên tục được làm mới, minh chứng cho sức sống dẻo dai, phát triển không ngừng. Đó cũng là sự khẳng định vị thế của một thương hiệu kiểm toán Việt trước sự “bủa vây”, cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Lối đi không rải hoa hồng

Năm 2017 đánh dấu dấu mốc tròn 10 năm AASC chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cũng là năm đánh dấu AASC bước qua tuổi 26. Đây cũng là năm thành công về doanh thu của AASC với hơn 200 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm đầu tiên sau chuyển đổi. Kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong khối công ty kiểm toán trong nước, chỉ xếp sau nhóm Big4.

Các mảng hoạt động cốt lõi của AASC đều tăng trưởng khả quan như kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính tăng 17,49%, kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành trong kỳ tăng 54,31%, dịch vụ thẩm định giá tăng 40,3%...

Điểm nổi bật ở AASC là chất lượng dịch vụ luôn được duy trì ở mức tốt nhất. Đơn cử, kết quả kiểm tra chất lượng năm 2017 do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì kết luận AASC nằm trong số ít những doanh nghiệp kiểm toán được đánh giá chất lượng dịch vụ kiểm toán xếp loại Tốt (năm 2016, chỉ có 2/10 doanh nghiệp kiểm toán được xếp loại tốt trong cuộc kiểm tra tương tự). Điều này chứng tỏ rằng, dịch vụ và năng lực của kiểm toán Việt không hề thua kém các công ty kiểm toán Big 4.

Khách hàng của AASC là các tập đoàn, tổng công ty lớn, trong đó có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và được đánh giá cao về tính minh bạch, tuân thủ các quy định về quản trị công ty như Viglacera, Tổng công ty Thép… AASC còn liên tục nằm trong danh sách ngắn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thực hiện kiểm toán cho các dự án mà các tổ chức này tài trợ.

Công ty cũng là đơn vị triển khai thẩm định giá tài sản của các tổng công ty lớn như Tổng công ty Cụm cảng Hàng không, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội…

Tài sản quý nhất của AASC là trên 470 nhân viên chuyên nghiệp, trong đó bao gồm 83 kiểm toán viên, 44 kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, 28 thẩm định viên về giá, 10 cán bộ, kiểm toán viên có chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA, CPA Australia…), tăng gấp nhiều lần so với thời điểm 10 năm trước.

Vậy nhưng, kết quả đạt được hôm nay không phải là con đường trải đầy hoa hồng. PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã nhắc đến những gian khó của AASC trước khi chuyển đổi vào năm 2007, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Công ty (1991 - 2011). Khi ấy, tâm lý nhân sự dao động, bất an, từ chỗ đang có 118 kiểm toán viên, Công ty chỉ còn 36 kiểm toán viên. “Tôi nhớ đã đàm đạo không dưới 10 lần với lãnh đạo Công ty về tạo dựng lòng tin, chấn chỉnh tổ chức”, ông Thanh kể.

Trụ sở AASC ở vị trí đắc địa cũng không ít lần bị nhòm ngó, tìm cách mua lại trong cơn sóng gió thời điểm Công ty chuyển đổi.

Trước tình thế đó, lãnh đạo AASC đặt ra mục tiêu phải nhanh chóng ổn định lại Công ty. Trong hai năm đầu, AASC nỗ lực giữ chân khách hàng truyền thống, củng cố niềm tin của các nhân sự trong Công ty. Đến năm 2010, AASC đã lấy lại vị trí thứ 5 sau Big4 và duy trì từ đó đến nay.

Ở AASC, 33 nhân sự trong Hội đồng thành viên đã đồng hành với Chủ tịch Ngô Đức Đoàn suốt 10 năm từ sau ngày chuyển đổi mô hình hoạt động  

Nói về lý do thành công của AASC, ông Ngô Đức Đoàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên AASC cho rằng: “Đó chính là nhờ sự đồng thuận, quyết tâm vượt khó, gìn giữ một thương hiệu kiểm toán Việt của Ban lãnh đạo và các cán bộ, kiểm toán viên, nhân viên Công ty. Nếu không có sức mạnh từ đoàn kết và thế trận nhân dân, sẽ không có AASC ngày nay.”

Những người biết rõ lịch sử phát triển của AASC cũng hiểu rằng, sự gắn bó của nhân viên với AASC không vì thu nhập, mà vì tình yêu đối với Công ty, vì họ đồng cảm và yêu quý người lãnh đạo doanh nghiệp.

Ở AASC, 33 nhân sự trong Hội đồng thành viên đã đồng hành cùng ông Đoàn suốt 10 năm sau khi AASC chuyển đổi. Nhiều nhân sự trong đó được các công ty trong ngành cũng như các tập đoàn kinh tế, ngân hàng, định chế tài chính chèo kéo với mức lương đầy hấp dẫn, nhưng họ vẫn quyết tâm ở lại AASC. Họ nói rằng, họ tự hào về văn hóa doanh nghiệp đậm đà của AASC, về môi trường làm việc nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau.

Khởi tạo những không gian mới 

Năm tài chính thứ 11 đang mở ra nhiều cơ hội cho AASC khi nền kinh tế đòi hỏi ngày một cao hơn sự minh bạch và vai trò của kiểm toán độc lập. Nhưng để hiểu nghề, giữ nghiệp, có vô số thách thức đang bủa vây cánh chim đầu đàn của ngành kiểm toán Việt. Các công ty kiểm toán nước ngoài với hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các công ty kiểm toán trong nước, mà AASC không phải là ngoại lệ, nhất là trong phân khúc khách hàng là doanh nghiệp FDI.

Với khối khách hàng là công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tạo áp lực với ban lãnh đạo các công ty đại chúng lựa chọn các công ty trong nhóm Big 4 thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Các công ty kiểm toán trong nước chỉ chiếm miếng nhỏ trong chiếc bánh thị phần kiểm toán và các dịch vụ. Kiểm toán đang được coi là “nghề khó”, không chỉ bởi đòi hỏi nhân sự phải có những kiến thức rất rộng về chuyên môn kế toán, kiểm toán, về các chính sách thuế, hiểu biết về đặc thù ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, về độ nhạy cảm nghề nghiệp để có thể phát hiện ra những sai sót, bất hợp lý của các số liệu tài chính từ đối tượng được kiểm toán, để cung cấp cho cổ đông, công chúng đầu tư, cơ quan quản lý bản báo cáo kiểm toán chất lượng, mà còn là sự trụ vững trước chiêu thức cạnh tranh từ doanh nghiệp cùng ngành. Không ít trong đó là những “đòn đánh dưới thắt lưng”. 

Đứng yên là tụt hậu, bởi vậy AASC sẽ phải tìm kiếm các không gian tăng trưởng mới, tập trung vào điểm mạnh của chính mình để mở rộng tệp khách hàng. Những nguồn năng lượng còn ẩn sâu đâu đó trong mỗi thành viên Hội đồng thành viên, mỗi kiểm toán viên của AASC phải được kích hoạt để cả cỗ máy cùng chuyển động, cùng tiến về phía trước.

“Có đầy rẫy những khó khăn đang ở phía trước”, ông Ngô Đức Đoàn chia sẻ.  Nhưng ông Đoàn tin, sức mạnh nội lực sẽ giúp AASC tìm ra những không gian mới bởi đối mặt với khó khăn, thách thức đã trở thành văn hóa của AASC.  Trong khó khăn, AASC học được nhiều, đội ngũ trưởng thành lên nhiều. Thành công mới chỉ có thể có được khi đội ngũ chấp nhận việc khó, dám làm việc khó, nỗ lực tiến lên. Khó khăn càng cần hiệp lực, hiệp tâm, hiệp trí để giải quyết.

“Hội tụ” thông điệp cuối cùng từ cuốn phim tư liệu về hành trình của AASC, khiến người xem không khỏi đọng lại những cảm xúc đầy dư âm. Cứ nhớ mãi câu nói của những nhà lãnh đạo hàng đầu tại Diễn đàn APEC mới đây: Mỗi quốc gia đều cần những thương hiệu nội địa để tự hào và lấy đó làm bàn đạp cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Với AASC, doanh thu, chất lượng, hiệu quả rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn còn là khát vọng cùng nhau “chiến đấu”, xây dựng một thương hiệu kiểm toán Việt mãi trường tồn và phát triển bền vững.

Tin bài liên quan