Ả Rập Xê Út giảm giá bán dầu sang châu Á khi thị trường tiếp tục suy yếu

(ĐTCK) Ả Rập Xê Út sẽ giảm giá bán dầu thô cho người mua ở tất cả các khu vực trong tháng 2 trong bối cảnh thị trường dầu mỏ tiếp tục suy yếu.
Ả Rập Xê Út giảm giá bán dầu sang châu Á khi thị trường tiếp tục suy yếu

Thông thường, tiêu thụ dầu sẽ giảm trong tháng 2 và tháng 3 khi các nhà máy lọc dầu bảo trì định kỳ. Đồng thời, nguồn cung toàn cầu mạnh mẽ đang làm tăng khả năng dư thừa nguồn cung và buộc OPEC+, dẫn đầu là Ả Rập Xê và Nga phải gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm nay.

Cụ thể, Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco đã giảm giá bán dầu Arab Light sang châu Á từ mức cao hơn 2 USD/thùng xuống còn cao hơn 1,5 USD/thùng so với giá dầu Oman/Dubai, đánh dấu mức thấp nhất trong 27 tháng. Aramco cũng giảm toàn bộ giá giao tháng 2 tới Tây Bắc Âu, Địa Trung Hải và Bắc Mỹ.

Giá bán dầu Arab Light sang châu Á (so với chuẩn Oman/Dubai)

Giá bán dầu Arab Light sang châu Á (so với chuẩn Oman/Dubai)

Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu châu Á tại Vortexa Ltd. cho biết: “Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và nhu cầu theo mùa suy yếu, không có gì ngạc nhiên khi Ả Rập Xê Út cắt giảm giá bán chính thức (OSP) quá sâu”.

Tuy nhiên, ít nhất ba khách hàng châu Á của Ả Rập Xê Út cho biết việc giảm giá khó có thể dẫn đến yêu cầu tăng cường giao hàng từ nước này vì nguồn cung cạnh tranh, rẻ hơn vẫn có sẵn trên thị trường giao ngay. Hai người mua ở Trung Quốc cho biết, họ sẽ không nhận bất kỳ lô hàng kỳ hạn nào từ nước này trong tháng tới.

Giá dầu thô toàn cầu giảm lần đầu tiên vào năm 2023 kể từ năm 2020. Thị trường cho đến nay đã gạt bỏ lo ngại về xung đột Israel-Hamas và tình trạng bất ổn ngày càng sâu sắc ở Trung Đông. Các cuộc căng thẳng ở Biển Đỏ cũng chưa gây ra sự gián đoạn nguồn cung.

Việc cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ cũng nhằm mục đích ngăn chặn tồn kho gia tăng, trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế trì trệ sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu.

Một cuộc khảo sát của Reuters trong tuần qua cho thấy, sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 12 do sản lượng ở Iraq, Angola và Nigeria gia tăng bù đắp cho việc cắt giảm liên tục của Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của liên minh OPEC+.

Sự thúc đẩy này diễn ra trước các đợt cắt giảm tiếp theo của OPEC+ vào năm 2024 và việc Angola rút khỏi OPEC, điều này dự kiến sẽ làm giảm sản lượng và thị phần của OPEC+ trong tháng 1.

Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết: “Nếu chúng ta chỉ tập trung vào các yếu tố cơ bản, bao gồm tồn kho cao hơn, sản lượng của OPEC và cả ngoài OPEC cao hơn và OSP của Ả Rập Xê Út thấp hơn dự kiến, sẽ không thể có điều gì khác ngoài việc giá dầu thô giảm… Tuy nhiên, điều đó không tính đến thực tế là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông chắc chắn đang gia tăng trở lại”.

Tin bài liên quan