Ả Rập Xê Út gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (5/9), Ả Rập Xê Út đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay.
Ả Rập Xê Út gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm

Việc cắt giảm sẽ đưa sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê Út xuống còn gần 9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tháng 11 và tháng 12 và cũng sẽ được xem xét lại trên cơ sở hàng tháng.

Ả Rập Xê Út lần đầu tiên áp dụng mức giảm 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7 và kể từ đó đã gia hạn hàng tháng.

Truyền thông Ả Rập Xê Út dẫn lời một quan chức Bộ Năng lượng giấu tên cho biết: “Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa của các nước OPEC+ nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.

Nga cũng cam kết tự nguyện giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm thứ Ba (5/9) cho biết họ sẽ gia hạn mức giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2023 và tương tự sẽ xem xét biện pháp này hàng tháng.

Thông báo kép từ Nga và Ả Rập Xê Út đã đẩy giá dầu Brent lên trên 90 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều thứ Ba (5/9), một mức giá chưa từng thấy trên thị trường kể từ tháng 11.

Việc cắt giảm sản lượng được mô tả là tự nguyện vì chúng nằm ngoài chính sách chính thức của OPEC+, trong đó cam kết mọi thành viên không được miễn trừ sẽ phải chia sẻ hạn ngạch sản xuất.

Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais trước đây đã nói rằng, việc sử dụng các biện pháp cắt giảm tự nguyện ngoài các quyết định của OPEC+ không cho thấy sự chia rẽ trong quan điểm chính sách giữa các thành viên liên minh.

Sau khi giảm xuống dưới 75 USD/thùng trong nửa đầu năm, giá dầu Brent đã tăng hơn 10 USD/thùng trong mùa hè, gần đây nhất được thúc đẩy bởi rủi ro an ninh ở Gabon và mối đe dọa gián đoạn mối đe dọa gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Mexico sau cơn bão Idalia.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nguồn cung sẽ thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ả Rập Xê Út phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ để hỗ trợ một số dự án lớn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Việc cắt giảm sản lượng dầu thô và giá dầu giảm vào đầu năm nay đã khiến GDP của Ả Rập Xê Út chậm lại, với mức tăng 1,1% trong quý II, giảm từ mức 3,8% trong quý trước và 11,2% trong cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, yếu tố ảnh hưởng là thị phần của Ả Rập Xê Út có xu hướng chuyển sang cho Nga và Iran - những nước sản xuất dầu thô có chất lượng tương tự như Ả Rập Xê Út và chủ yếu hướng xuất khẩu sang Trung Quốc với mức giá chiết khấu cao.

Jorge Leon, một chuyên gia cấp cao của Rystad Energy cho biết: “Tác động của việc cắt giảm này đối với lạm phát và chính sách kinh tế ở phương Tây là khó dự đoán, nhưng giá dầu cao hơn sẽ chỉ làm tăng khả năng thắt chặt tài chính nhiều hơn, đặc biệt là ở Mỹ, để hạn chế lạm phát”.

Tin bài liên quan