99,88% cổ đông Việt Phát (VPG) bỏ quyền mua ưu đãi

99,88% cổ đông Việt Phát (VPG) bỏ quyền mua ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một thời gian giữ giá ở mức cao, cổ phiếu VPG của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát đổ đèo, ngay sau khi Công ty hoàn tất đợt chào bán cổ phần ra công chúng.

Giá hấp dẫn cũng bỏ quyền

Mới đây, VPG đã chào bán 26,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông tại mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn, giảm nợ vay.

Kết thúc đợt phát hành, có 8,55 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, đạt tỷ lệ 32,33%. Đáng chú ý, trong số này chỉ có 31.296 cổ phiếu, tương đương 0,12% số cổ phần chào bán được cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua; 8,52 triệu cổ phiếu chào bán thành công còn lại là nhờ Hội đồng quản trị sau đó đã phân phối cho 5 nhà đầu tư cá nhân, bình quân 1,7 triệu đơn vị/người.

Kết quả này gây bất ngờ cho thị trường, bởi lẽ tại thời điểm hết hạn nộp tiền thực hiện quyền ngày 27/5/2020, thị giá cổ phiếu trên thị trường đang giao dịch quanh mức 19.000 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi mức giá chào bán.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, để sở hữu quyền mua cổ phần ưu đãi này, vào ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ đông của VPG đã chịu thiệt hại đáng kể khi giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh giảm từ 23.900 đồng/cổ phiếu về 16.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 6.950 đồng/cổ phiếu.

99,88% cổ đông Việt Phát (VPG) bỏ quyền mua ưu đãi ảnh 1

Giá cổ phiếu VPG biến động mạnh trong thời gian doanh nghiệp tăng vốn (Giá đã điều chỉnh quyền mua cổ phiếu).

Thêm vào đó, cơ cấu cổ đông của VPG khá cô đặc, đặc điểm thường được xem là thuận lợi giúp các đợt tăng vốn thành công bởi bao gồm những người am hiểu sâu, đồng hành cùng doanh nghiệp, nay lại trở thành bất lợi khi các cổ đông này đồng thuận bỏ quyền.

Có thể thấy điều này khi nhìn vào cơ cấu cổ đông của VPG tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 9/6/2020, chỉ với 32 cổ đông trực tiếp tham dự và 9 người ủy quyền (tổng cộng 41 cổ đông) đã sở hữu tới 99,27% số cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Vì sao khi giá chào bán thấp hơn nhiều thị giá mà có đến 99,88% cổ đông, không chỉ các cổ đông nhỏ lẻ mà toàn bộ cổ đông lớn và cổ đông nội bộ - vốn nắm giữ trên 56% cổ phần của doanh nghiệp tại thời điểm phát hành bỏ quyền mua, dù chính họ là những người đồng thuận với kế hoạch tăng vốn?

VPG có tiềm năng như thế nào khi mà gần như toàn bộ cổ đông hiện hữu bỏ quyền mua cổ phần phán hành thêm thì lại có những nhà đầu tư bên ngoài thấy được và quyết định xuống tiền?

Báo cáo kết quả phát hành của VPG cho biết, số cổ đông lớn của Công ty đã giảm xuống 2 người với tổng tỷ lệ sở hữu 35,22%, số cổ đông sở hữu từ 1 - 5% là 23 người với tổng tỷ lệ sở hữu 62,95%. Như vậy, chỉ 25 cổ đông này đã sở hữu 98,17% VPG sau đợt phát hành; 363 cổ đông khác sở hữu vỏn vẹn 1,83%.

Với số tiền thu được chỉ bằng một phần ba so với dự kiến, Hội đồng quản trị VPG đã ra nghị quyết thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành. Cụ thể, thay vì trả nợ vay và mua hàng hóa, nguyên vật liệu, Công ty sẽ dùng gần một nửa số tiền (40,5 tỷ đồng) để mua hàng hóa, nguyên vật liệu và phần còn lại (45 tỷ đồng) dùng để đầu tư tài chính.

Áp lực pha loãng, thiếu hụt dòng tiền

VPG thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 25 tỷ đồng, đến năm 2014 tăng vốn lên 100 tỷ đồng, năm 2016 tăng lên 200 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 230 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 264,5 tỷ đồng, sau đợt phát hành vừa qua tăng lên 350 tỷ đồng.

Công ty khởi đầu kinh doanh lĩnh vực vận tải nội địa, sau đó phát triển sang sản xuất - kinh doanh các nguyên liệu khoáng sản và mới đây là mở rộng sang đầu tư trong lĩnh vực bất động sản với dự án khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, TP Hải Phòng.

Năm 2019, doanh thu bán quặng sắt và than cốc là 2 mảng đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của VPG, với tỷ trọng lần lượt là 47,08% và 46,1%, đây cũng là 2 hoạt động có biên lợi nhuận tốt nhất, đóng góp đến 64,9% và 34,8% lợi nhuận gộp.

Các hoạt động khác như vận tải, kho bãi, hàng hóa có tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận không đáng kể, mảng bất động sản chưa mang lại doanh thu.

Sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu của VPG đã chậm lại đáng kể với tỷ lệ 1,7% năm 2018 và 3,65% năm 2019.

Nhờ biên lợi nhuận có xu hướng cải thiện, chủ yếu là 2 hoạt động chính là thương mại thép và than, giúp lợi nhuận duy trì mức tăng tốt; biên lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2019 đạt 16,9%, tăng 5,2 điểm phần trăm, lợi nhuận sau thuế đạt 55 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2018.

Tuy vậy, cấu trúc tài chính của VPG có sự mất cân đối trong cơ cấu phải thu, phải trả, dẫn đến nguồn vốn lưu động của Công ty bị thiếu hụt lớn.

Cụ thể, báo cáo tài chính của VPG cho biết, tính đến cuối năm 2019, giá trị các khoản phải thu là 751,8 tỷ đồng, chiếm 39,2% tổng tài sản, tăng 8,6% so với đầu năm, chủ yếu là các khoản phải thu từ khách hàng (chiếm 88%).

Cùng với đó, giá trị khoản mục hàng tồn kho tăng 31,4% lên 582,9 tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng tài sản. Chiều ngược lại, chiếm dụng vốn qua phải trả người bán giảm 24%, xuống 300 tỷ đồng.

Hệ quả, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm 2019 âm 311,5 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2018, dù thu về 41,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng dòng tiền kinh doanh âm 123,4 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm khiến nguồn tiền dự trữ của VPG giảm mạnh, số dư các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng giảm từ 657,6 tỷ đồng về 103,4 tỷ đồng trong năm 2019. Bên cạnh đó, nợ vay duy trì ở mức cao, cuối năm 2019 ở mức 442 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng nguồn vốn.

Ngoài ra, Công ty còn có 611 tỷ đồng phải trả thư tín dụng nhập khẩu với các ngân hàng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là 347,2 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng nguồn vốn.

Dự trữ tiền giảm khiến thu nhập từ lãi tiền gửi, vốn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu lợi nhuận của VPG giảm mạnh, từ 50 tỷ đồng xuống 21 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc chi phí.

Năm 2018, nếu như hoạt động tài chính đem về 24,4 tỷ đồng, đóng góp 43,8% lợi nhuận trước thuế, thì năm 2019, hoạt động tài chính âm 14,7 tỷ đồng.

Giá trị các khoản phải thu, tồn kho và vay nợ chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc tài sản, dòng tiền, khiến khả năng thanh toán phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu và xoay vòng nợ đang được đánh giá là rủi ro đáng kể với khả năng thanh toán của VPG.

Trong quý đầu năm nay, tình hình tài chính của VPG xấu đi đáng kể.   

Trong quý đầu năm nay, tình hình tài chính của VPG xấu đi đáng kể. Cụ thể, tính đến cuối quý I/2020, giá trị phải thu và tồn kho tăng lên 850,5 tỷ đồng và 667,2 tỷ đồng, tăng 13,1% và 14,2% so với đầu năm, khiến dòng tiền kinh doanh âm thêm 17,9 tỷ đồng. Bức tranh kinh doanh tệ hơn khi doanh thu giảm 3,92%, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 328 triệu đồng, giảm 97,98% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo VPG, lợi nhuận giảm mạnh là do Công ty đã chuyển nhượng nhà máy sản xuất khung thép tiền chế, gia công thép định hình phân loại và kinh doanh quặng sắt tại Cụm công nghiệp Quỳnh Phúc, tỉnh Hải Dương và ghi nhận lỗ 26,65 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá gần 13,1 tỷ đồng.

Tuy vậy, nếu bỏ qua khoản mục này, bức tranh kinh doanh của VPG cũng vẫn tối màu với doanh thu giảm, biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp, khiến lợi nhuận gộp giảm 25,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu tài chính - chủ yếu là lãi tiền gửi giảm 68,4%.

Nhu cầu dòng tiền đầu tư của VPG năm 2020 được đánh giá khá lớn khi Công ty đang đẩy mạnh tiến độ tại dự án khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm trên diện tích 24 ha, tổng mức đầu tư ban đầu là 326 tỷ đồng.

Riêng trong quý đầu năm nay, giá trị đầu tư tăng thêm cho dự án là 34,2 tỷ đồng, nâng giá trị dở dang của dự án đến cuối kỳ lên 217,6 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, VPG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 2.600 tỷ đồng doanh thu và 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; so với năm 2019, doanh thu dự kiến tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh.

Chia sẻ tại đại hội, lãnh đạo Công ty cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty như việc giao dịch nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, các nhà máy cung cấp điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất do sản phẩm sản xuất đầu ra không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ trong nước cũng giảm do dịch bệnh.

Với lợi nhuận quý I giảm mạnh, trong khi tình hình kinh doanh quý II được đánh giá kém khả quan, áp lực hoàn thành kế hoạch của VPG sẽ dồn vào nửa cuối năm.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, ảnh hưởng đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu, áp lực này càng lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, đợt huy động vốn vừa qua giúp VPG giảm bớt áp lực dòng tiền, nhưng lợi nhuận giảm trong khi lượng cổ phiếu gia tăng khiến cổ đông của Công ty đang phải đối mặt với áp lực pha loãng cổ phiếu không nhỏ trong năm nay.

Tin bài liên quan