Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Thực, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức tại hội thảo "Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển" tổ chức ngày 30-3.
Đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội cũng băn khoăn mỗi khi đoàn thanh tra đến là buộc phải tiếp đón và phải tiếp liên tục nhiều đoàn trong một khoảng thời gian. Hơn nữa, nhiều khi doanh nghiệp cảm thấy nội dung thanh tra không hoàn toàn phù hợp.
Đánh giá về thực trạng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận định hoạt động thanh, kiểm tra đang bị lạm dụng, làm tổn hại cho môi trường kinh doanh.
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, TS Đinh Văn Minh, cho rằng công tác thanh, kiểm tra đang có nhiều vấn đề.
Nguyên nhân chính là do chính sách đang làm khó doanh nghiệp. Đơn cử như quy định muốn được xuất khẩu gạo thì doanh nghiệp phải có kho, có nhà máy xay xát… Muốn xem doanh nghiệp có chấp hành đúng các điều kiện này không thì cơ quan thanh tra vào và việc này khiến doanh nghiệp rất khổ.
Hay doanh nghiệp kêu thanh tra chồng chéo, ông Minh nói đó là sự thật. Đơn cử muốn xây một trường học thì thanh tra giáo dục, thanh tra xây dựng, thanh tra đầu tư… đều có thể vào thanh tra việc xây trường.
"Cần nhận thức lại mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra là để hoàn thiện cơ chế chính sách, bịt lỗ hổng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp làm ăn chứ không phải vạch mặt, phát hiện được vụ nọ vụ kia" - ông Minh đề nghị.
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu cuối cùng mà thanh tra, kiểm tra hướng đến là giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, phát triển, nếu có sai phạm thì cũng ở mức thấp nhất.
Để thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, ông Ánh cũng đề nghị cần có cơ quan điều phối vì thực tế ngành nào cũng có cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Và công tác thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng quy định, TS Nguyễn Văn Kim, nguyên vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, kiến nghị cần sớm có cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thanh tra. Đồng thời, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan thanh tra để doanh nghiệp, người dân giám sát và tố cao khi phát hiện công chức, cán bộ vi phạm khi thanh tra doanh nghiệp.
Theo khảo sát VCCI năm 2017, có đến 40% doanh nghiệp bị kiểm tra 2 lần mỗi năm. Doanh nghiệp bị cơ quan cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và quản lý thị trường thanh, kiểm tra nhiều nhất với tỉ lệ lần lượt là 43%, 30% và 20% số doanh nghiệp