Ảnh Internet
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Vafie, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng sử dụng hàng do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất. Điều này cho thấy sự trưởng thành của DN và sản phẩm nội địa.
Đặc biệt, việc chủ động mua hàng nội được gắn liền, đồng hành với sự hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó hun đúc và làm sâu sắc thêm tinh thần yêu nước, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN, cũng như của người tiêu dùng với DN.
Đây là thực tế rất quan trọng, vì mức tiêu dùng càng cao sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, các bên liên quan cần chủ động phối hợp, trở thành bạn hàng của nhau để tạo ra mối quan hệ cung-cầu hoàn thiện, kết nối giữa nhà sản xuất với hệ thống phân phối, trong đó các siêu thị là một kênh quan trọng hàng đầu.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong quá trình mở cửa hội nhập, các DN đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh, thương hiệu cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung. Từ đó, cần hiểu hàng Việt cũng bao gồm tất cả những loại hàng hóa sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, tức là do DN trong nước và DN có vốn nước ngoài sản xuất.
Theo công bố của Bộ Công Thương, hiện có 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng nội, hơn 50% cho biết sẵn sàng khuyên người thân mua hàng nội; chủ yếu thông qua các siêu thị.
Vấn đề đặt ra là làm sao kết nối, thắt chặt quan hệ giữa các DN, nhất là DN đầu tư nước ngoài với DN nội để tạo ra chuỗi sản xuất khép kín trong nước bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ hình thành ngành công nghiệp phụ trợ.
Đó là tiền đề cho sự phát triển công nghiệp bền vững, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, thảo mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước kết hợp với tham gia xuất khẩu.