9 tỉnh miền Trung có hơn 10.000 MW điện tái tạo, cao điểm chỉ dùng 1.400 MW

0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy năng lượng tái tạo nào cũng muốn đấu nối và phát hết công suất lên lưới truyền tải nên để hệ thống vận hành liên tục là công việc hết sức khó khăn, phức tạp.
Tại miền Trung có 36 nhà máy điện gió đã lên tới 1.900 MW chưa kể 93 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt lên tới 5.430 MW và 2.624 MW điện mặt trời mái nhà cùng 107 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt 934 MW.

Tại miền Trung có 36 nhà máy điện gió đã lên tới 1.900 MW chưa kể 93 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt lên tới 5.430 MW và 2.624 MW điện mặt trời mái nhà cùng 107 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt 934 MW.

Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) vừa làm việc với đại diện 31 chủ đầu tư, các công ty quản lý vận hành các nhà máy điện cùng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; các hệ thống điện miền Trung, miền Nam nhằm phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải một cách an toàn, hạn chế thấp nhất các sự cố.

Hiện có 57 nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được đấu nối vào lưới điện của PTC3 quản lý.

Ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3 cho biết, đây là dịp để các chủ đầu tư nêu ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện, từ đó chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành nhằm mục tiêu vận hành an toàn, tin cậy, ngăn ngừa nguy cơ sự cố.

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc (A0), điện gió và mặt trời là nguồn điện không có quán tính, hệ thống điện quốc gia lại đòi hỏi nguồn điện phải có quán tính để đáp ứng các biến động của nhu cầu phụ tải, vì thế quá trình đấu nối và điều độ cần chính xác để không xảy ra bất kể sự cố nào.

“Kể từ khi có các nguồn điện năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống, A0 hàng ngày phải tính toán để đưa ra mức quán tính tối thiểu cho hệ thống, nhằm đảm bảo cho hệ thống điện vận hành liên tục nên đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp”, ông Khu cho hay.

Tuy nhiên cũng có thực tế, nhà máy năng lượng tái tạo nào cũng muốn đấu nối và phát hết công suất lên lưới truyền tải, trong khi năm 2022 tình hình thủy văn rất tốt đặc biệt ở khu vực 9 tỉnh miền Trung khiến nguồn điện trở nên dồi dào, việc vận hành hệ thống nói chung càng trở nên khó khăn.

Vẫn theo ông Khu, có phụ tải toàn khu vực miền Trung lúc cao điểm chỉ vào khoảng từ 1.300 - 1.400 MW, trong khi riêng nguồn phát từ 36 nhà máy điện gió đã lên tới 1.900 MW chưa kể 93 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt lên tới 5.430 MW và 2.624 MW điện mặt trời mái nhà cùng 107 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt 934 MW.

“Với 4 loại hình phát điện, tổng công suất phát đã lên tới 10.934 MW đó là chưa kể các nhà máy thủy điện lớn khác, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân… dẫn đến lưới của PTC3 với 18 đường dây thường xuyên vận hành trong điều kiện tải cao trên 90%. Các đường dây 220 kV gần như đủ tải và quá tải nên lưới truyền tải điện của PTC3 là lưới vận hành khó nhất trong hệ thống truyền tải. Nếu để tất cả các nhà máy đều vận hành hết công suất lưới điện khu vực sẽ không thể nào chịu tải được. Nếu muốn tận dụng tối đa khả năng khai thác các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ dễ dẫn đến những rủi ro nhất định cũng như tổn thất điện năng tăng cao”, ông Khu chia sẻ.

Vì thế theo đại diện A0, trong thời gian tới để cải thiện việc giải tỏa công suất cũng như nâng cao khả năng truyền tải, A0 sẽ phối hợp với PTC3 lựa chọn các nguồn điện hợp lý nhất, đồng thời đề nghị các nhà máy điện năng lượng tái tạo cần hiểu và phối hợp chặt chẽ trong kế hoạch điều độ phát điện.

Từ thực tế vận hành nhà máy năng lượng tái tạo năm 2022, ông Kiều Minh An, Phó ban Xây dựng, Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng Tái tạo BIM (Ninh Thuận) cho biết, năm 2022 các nhà máy năng lượng tái tạo chịu tác động bởi hình thái thời tiết La Nina nên nguồn thủy điện liên tục phát đủ công suất, dịp cuối năm lượng gió cao cũng ảnh hưởng đến công suất và sản lượng của các nhà máy điện mặt trời.

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, các nhà máy của Công ty đã phối hợp để khai thác tối đa lợi ích của các nhà máy, duy trì sự vận hành ổn định của nhà máy cũng như đảm bảo an toàn lưới điện.

“Năm 2023, các nhà máy của BIM cố gắng phối hợp với vai trò chủ đầu tư của các lưới điện để duy trì và đạt được các chỉ tiêu an toàn hệ thống, duy trì sự tin cậy theo những chỉ tiêu đã đặt ra”, ông An cho biết.

Đang vận hành cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp có 5 nhà máy, với tổng công suất 600 MW (831 MWp) và trạm biến áp 500 kV Xuân Thiện - Ea Súp 2x600 MVA, tuyến đường dây 500 kV dài 22 km, được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 15/12/2020, ông Trần Xuân Thực, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện (tỉnh Đắk Lắk) thông tin, từ khi đưa vào vận hành đến nay, cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp luôn bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, tuân thủ đúng quy trình điều độ và các quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, khó khăn với các nhà máy điện mặt trời hiện nay là vào những giờ cao điểm, đặc biệt là vào ngày cuối tuần, ngày Lễ, Tết các cụm nhà máy điện mặt trời vẫn có lúc bị cắt giảm công suất phát, dẫn đến làm giảm sản lượng và doanh thu cho nhà máy.

“Đơn vị mong muốn PTC3 và A0 chia sẻ kinh nghiệm, là cầu nối để kết nối các nhà máy trên cùng khu vực với nhau cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm vận hành, nhất là chia sẻ giúp đỡ nhau trong công tác vật tư dự phòng của các nhà máy; các quy định mới liên quan đến công tác vận hành, sửa chữa, thí nghiệm, kiểm định...”, ông Thực đề xuất.

Tin bài liên quan