Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng công ty ghi nhận doanh thu 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 535 tỷ đồng. Nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện lên mức 16% so với mức 15% trong cùng kỳ năm ngoái.
Với các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thường soi vào khoản mục hàng tồn kho và người mua trả tiền trước để đánh giá “của để dành”. Tại VCG, 2 khoản mục này đều tăng mạnh, cụ thể hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 đạt 3.196 tỷ đồng, tăng 976 tỷ đồng so với đầu kỳ, người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt trên 7721 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu kỳ, tương tự doanh thu chưa thực hiện dài hạn đạt 1.426 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ.
Hoạt động đầu tư của Vinaconex tiếp tục được đẩy mạnh khi khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.699 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm và tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.840 tỷ, tăng 57% so với đầu năm và tăng nhẹ hơn 2% so với cuối quý 2. Vốn chủ sở hữu là 7.508 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.043 tỷ đồng.
Trong bối cảnh quý III nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế trầm lắng, kết quả lợi nhuận như trên cho thấy nỗ lực đáng kể của Vinaconex. Quan trọng hơn, doanh nghiệp tiếp tục có nhiều hoạt động đầu tư chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá dịp cuối năm và 2022.
Mới đây, Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 đã được khởi công. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vạn Ninh, trong đó Vinaconex góp vốn 40%, Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông góp 40%, đối tác địa phương góp 20% vốn điều lệ. Ở dự án này, Vinaconex cũng đảm nhận vai trò tổng thầu.
Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 480 ha. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích 82,8 ha; tổng chiều dài bến là 500 m cho tàu biển và 390 m bến sà lan; tổng mức đầu tư là 2.248,5 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào khai thác giai đoạn 1.
Đây là một trong chuỗi 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của Quảng Ninh, có khả năng tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 20.000 tấn, tàu phà sông biển và thuỷ nội địa; có chức năng đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc. Đầu tư vào cảng biển với triển vọng nền kinh tế thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, sẽ là lĩnh vực nhiều tiềm năng của Vinaconex trong tương lai.
Cũng tại Quảng Ninh, các hoạt động thi công hạ tầng dự án Khu dân cư đô thị tại km3, km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái của Tổng công ty đang được đẩy mạnh triển khai. Theo kế hoạch, cuối năm nay đầu năm sau, dự án sẽ thực hiện công tác bán hàng, đưa sản phẩm ra thị trường.
Dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư. Với sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái, đây sẽ là những dự án đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Vinaconex trong năm 2022.
Trong mảng thi công xây lắp, nhiều dự án hạ tầng khác do Vinaconex và liên danh trúng thầu cũng đang được triển khai đúng tiến độ. Mới đây nhất, gói thầu “Thi công xây dựng công trình; Cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây lắp hệ thống cơ, điện” thuộc dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” đã được khởi công xây dựng vào ngày 6/8/2021. Gói thầu có giá trị trên 1.545 tỷ đồng, thời gian thực hiện 510 ngày.
Sân bay Phú Bài |
Có thể thấy, Vinaconex đã nỗ lực trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, khi tiếp tục duy trì các hoạt động đầu tư, không để đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, hạn chế “ngủ đông”, nhằm chuẩn bị động lực để ngay khi khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp có thể bứt phá về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV.