9 tháng, tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 5%

9 tháng, tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 5%

Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch vào lĩnh vực ưu tiên, song các tổ chức tín dụng vẫn cần quan tâm kiểm soát dòng vốn vào những lĩnh vực chứa đựng rủi ro.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 9/2017, dư nợ cho vay trên địa bàn Thành phố tăng 12,41% so với cuối năm 2016, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 160.000 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng dư nợ, tăng 15,4% so cuối năm 2016; dư nợ tín dụng bằng VND trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so cuối năm 2016.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho vay một số lĩnh vực như chế tạo khai khoáng, công nghiệp phụ trợ có mức tăng trưởng mạnh, tăng 18 - 19% so với cuối năm 2016.

Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 10%, riêng với nông nghiệp công nghệ cao, các ngân hàng đã cho vay hơn 35.000 tỷ đồng. Đối với bất động sản, BOT, BT, tăng trưởng dư nợ ở mức khá thấp, trong đó tín dụng bất động sản tăng khoảng 5%...

Từ cơ cấu tín dụng như trên, có thể khẳng định, định hướng của NHNN tiếp tục “nắn” dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao đã được ngân hàng tuân thủ. Đặc biệt, với lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo Chính phủ, NHNN đảm bảo tăng trưởng một cách ổn định, bền vững, từ đó đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, không để nợ xấu phát sinh.

Trong lĩnh vực bất động sản, tuy tập trung cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh và hạn mức vốn cao, nhưng với chủ đầu tư, các ngân hàng tỏ ra thận trọng.

Đến nay, chưa có số liệu thống kê nào được công bố từ NHNN về dư nợ tín dụng bất động sản, song ước tính cho vay lĩnh vực này tăng không quá 10% trong những năm qua. Tuy nhiên, một khi vốn tiêu dùng tăng cao tạo sự liên tưởng đến dòng tín dụng này chảy sang bất động sản.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nửa đầu năm 2017, người dân tiếp tục tăng vay vốn cho bất động sản. Đáng chú ý, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).

Một thực tế khác là, tuy dư nợ cho vay BOT, BT không nhiều, hơn 90.000 tỷ đồng, nhưng đang nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng, như việc chủ đầu tư có thể phải di dời trạm thu phí, tác động đến nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét, rà soát lại dự án BOT, BT, tránh việc giảm thu của các dự án ảnh hưởng đến kỳ hạn trả nợ, mà vẫn phải bảo đảm như cam kết hợp đồng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch vào lĩnh vực ưu tiên, song vẫn còn những lĩnh vực chứa đựng rủi ro mà việc tín dụng đẩy mạnh vào lĩnh vực này cũng cần được các tổ chức tín dụng quan tâm.

Đồng thời, việc sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cấp tín dụng trung, dài hạn vẫn có rủi ro khi mà tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho vay hiện nay khoảng 40-49%, trong khi vốn huy động dài hạn chỉ chiếm khoảng 12-15% trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, nên khó tránh được rủi ro về thanh khoản.

Tin bài liên quan