Trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), trong 10 doanh nghiệp niêm yết mới, ROS, CHP, S4A là những doanh nghiệp có khối lượng niêm yết cổ phiếu lớn nhất. Cụ thể, ROS niêm yết 430 triệu cổ phiếu, CHP niêm yết gần 126 triệu cổ phiếu, S4A niêm yết 42,2 triệu cổ phiếu. Trong đó, ROS là cổ phiếu nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư khi có quy mô vốn ngàn tỷ đồng với tốc độ tăng vốn nhanh; sử dụng phần lớn vốn điều lệ để ủy thác đầu tư tài chính. ROS niêm yết ngày 1/9 với giá tham chiếu 10.500 đồng/CP, đến nay, sau gần 1 tháng, thị giá cổ phiếu này là 25.800 đồng/CP.
Ngày 5/10 tới, HOSE sẽ đón thêm một cổ phiếu mới: TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, với khối lượng niêm yết gần 330 triệu đơn vị, giá tham chiếu 15.000 đồng/CP.
Với các cổ phiếu hủy niêm yết, được nhắc nhiều nhất là cặp đôi cổ phiếu dòng khoáng sản KTB và PTK bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến của các trường hợp hủy niêm yết bắt buộc là doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Chẳng hạn, VLF, PXL, GTT bị hủy niêm yết do doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trong đó, VLF hủy niêm yết 12 triệu cổ phiểu do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giai đoạn 2013 - 2015 đều là số âm; lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2015 là 155 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ. Tương tự, tại PXL, lợi nhuận sau thuế năm 2013 âm 5,81 tỷ đồng, năm 2014 âm 24,99 tỷ đồng, năm 2015 âm 8,9 tỷ đồng. Tại GTT, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2015 là âm 621,5 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 435,03 tỷ đồng.
Riêng trường hợp KSS bị hủy niêm yết là do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính năm 2015 vì không thể thu thập được đủ cơ sở cho việc đưa ra ý kiến (liên quan đến chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang và các công nợ của công ty). Trước đó, cổ phiếu KSS bị tạm ngừng giao dịch vì liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), có 11 cổ phiếu niêm yết mới, trong đó khối lượng niêm yết lớn nhất thuộc về MBS với hơn 122 triệu đơn vị, sau đó là MST với 18 triệu đơn vị.
Đối với 11 cổ phiếu hủy niêm yết, có 2 trường hợp xin hủy niêm yết tự nguyện để chuyển sàn là TCT (hiện đã niêm yết trên HOSE) và CHP (hủy niêm yết trên HNX từ 23/9); 1 trường hợp hủy niêm yết bắt buộc do giải thể doanh nghiệp là CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS); 1 trường hợp xin hủy niêm yết để tiến hành sáp nhập là HPS.
7 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do doanh nghiệp thua lỗ triền miên. Trong đó, SRB vừa thua lỗ 3 năm liên tiếp, vừa bị công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính. Cổ phiếu S12 và CTN bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2015.
Đối với các trường hợp thua lỗ triền miên, khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư nên cẩn trọng, không nên thấy “cổ phiếu giá trà đá” mà mua vào. Với những cổ phiếu này, hủy niêm yết là cách thanh lọc hàng hóa trên thị trường. Với những doanh nghiệp chây ì công bố thông tin, cơ quan quản lý cần có biện pháp, chế tài mạnh hơn nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi doanh nghiệp bị hủy niêm yết chỉ vì lỗi thuộc về “ý thức” của doanh nghiệp.