Theo đó, tính đến thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của OCB đạt 132.992 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm ngoái và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 15.913 tỷ đồng, tăng tới 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Huy động vốn trên thị trường 1 đạt 96.375 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019; dư nợ cho vay trên thị trường 1 bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 81.510 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Một chỉ tiêu nổi bật của OCB trong 9 tháng qua là chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) tiếp tục giảm xuống còn 31,8% so với mức 37% hồi cuối năm ngoái.
Tổng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm nay của OCB đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế ở mức 2.507 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2019. Mục tiêu lợi nhuận OCB đưa ra cho cả năm nay là 4.400 tỷ đồng trước thuế. Cổ tức dự kiến ở mức 20-25%.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có văn bản xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của OCB.
Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là hơn 876,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ của OCB 8.767 tỷ đồng.
OCB đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (AOZ, Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2020.
Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số.
Đồng thời, hai ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Đầu tháng 10, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.767 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng từ việc chia cổ tức.