Mặc dù lượng vốn DN huy động được vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng vốn Chính phủ huy động từ trái phiếu, nhưng thị trường ổn định và tăng trưởng đã tạo thuận lợi không nhỏ cho ngày càng nhiều hơn các DN tìm vốn qua kênh này.
Thống kê của Đầu tư Chứng khoán cho biết, 27 DN được chấp thuận chào bán kể từ đầu năm đến nay đăng ký phát hành gần 540 triệu cổ phiếu, trong đó tỷ lệ phát hành thành công đạt 72,7%. Bên cạnh một số DN phát hành cổ phiếu trả cổ tức hoặc thưởng cho cổ đông, nhiều DN đã huy động được vốn mới cho đầu tư sản xuất kinh doanh như CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức, CTCP Phú Tài, CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Licogi 13...
Dù vẫn có một số DN rơi vào tình trạng phát hành ế ẩm như CTCP PIV (chỉ bán được 5% lượng chào bán) và có DN chào bán không ai mua, nhưng những DN huy động được vốn bằng công cụ cổ phiếu sẽ được dùng nguồn vốn đặc biệt, có giá trị lâu dài mà DN không phải lo trả vốn gốc, chỉ phải lo kinh doanh hiệu quả để “trả” cho cổ đông cổ tức hàng năm.
Điểm sáng rõ nét trong hoạt động huy động vốn trên TTCK tiếp tục là kênh huy động trái phiếu chính phủ. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 7/9/2016, đơn vị này đã huy động thành công 245.830 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trái phiếu chào bán có kỳ hạn dài đang có dấu hiệu được đón nhận nhiều hơn khi phiên đấu thầu cuối tuần qua, loại kỳ hạn 30 năm có đến 4 thành viên đăng ký dự thầu.
Kết quả chào bán trái phiếu loại 30 năm còn hạn chế (46 tỷ đồng, trúng thầu lại lãi suất 7,99% trong tổng cộng 1.000 tỷ đồng chào bán), nhưng ở các kỳ hạn ngắn hơn như 15 năm, 7 năm, sức hấp dẫn của trái phiếu là rất rõ nét khi thu hút khá nhiều thành viên đặt thầu.
Thực tế, các ngân hàng đang ở giai đoạn dồi dào thanh khoản là một nhân tố thuận lợi mang đến kết quả huy động vốn tích cực vừa qua, nhưng một yếu tố không kém phần quan trọng là tính thanh khoản của thị trường trái phiếu được cải thiện, cũng đã giúp dòng tiền chảy mạnh hơn vào trái phiếu.
Như chia sẻ của ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực HOSE, không có một thị trường nào có thể thực hiện được chức năng biến các tài sản dài hạn thành các sản phẩm tài chính dễ dàng chuyển nhượng được như TTCK. Chính “tính lỏng” riêng có đó đã tạo nên sức hấp dẫn của TTCK và thanh khoản luôn là mục tiêu mà cơ quan vận hành thị trường hướng tới trong việc xây dựng các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật cho thị trường.
Thúc các chủ thể minh bạch và có các giải pháp đẩy mạnh thanh khoản là việc nhà quản lý cần tiếp tục thực hiện, để từ đó, thị trường thực hiện được vai trò quan trọng nhất là kênh huy động vốn trong nền kinh tế.