Con số trên 1,04 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm trong 20 ngày đầu tháng 9/2012, nâng tổng vốn FDI cam kết trong 9 tháng qua lên 9,52 tỷ USD đã củng cố thêm những dự báo tích cực trước đó trong chuyển dịch thu hút vốn FDI.
Thứ nhất, dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì thế thượng phong, khi chiếm tới 65,5% tổng vốn cam kết. Đặc biệt, đa phần vốn đăng ký tăng thêm, khoảng 3,4 tỷ USD từ đầu năm đến nay, hay gần như toàn bộ 463 triệu USD của tháng 9, đều rơi vào lĩnh vực này.
Thứ hai, nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt
Thứ ba, lần đầu tiên sau nhiều năm, lĩnh vực thông tin, truyền thông lọt vào tốp 4 trong thu hút FDI nhờ sự có mặt của Dự án Công ty cổ phần Viễn thông Việt - Nga, liên doanh giữa Alltech Telecom Ltd (Altech) với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty TNHH cung cấp Giải pháp dịch vụ giá trị gia tăng của nhà đầu tư Síp với tổng vốn đầu tư 375 triệu USD.
Cũng phải nói thêm, mặc dù lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ 2 với 1,8 tỷ USD, song vị trí này có được nhờ khoản đầu tư 1,2 tỷ USD của Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương vào đầu năm 2012.
Thêm nữa, nếu như so với số FDI đăng ký trong tháng 8, chỉ là 449 triệu USD, sự quay trở lại của dòng FDI đăng ký đã chứng tỏ sự hồi phục nhất định về niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài sau sụt giảm mạnh vào quý II/2012.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, những dịch chuyển tích cực của dòng vốn FDI thời gian này vẫn chưa đủ đảm bảo khả năng cải thiện chất lượng FDI trong thời gian tới. Nhất là khi phần lớn dự án FDI trong 9 tháng đầu năm 2012 có quy mô vừa và nhỏ. Minh chứng cụ thể là trong số 775 dự án được cấp mới 9 tháng đầu năm, chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; có 64 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,5% số dự án). Số còn lại là các dự án nhỏ và siêu nhỏ.
Câu hỏi về sự cạnh tranh trực tiếp của FDI và dòng vốn nội trong phân chia thị trường nội địa, cạnh tranh nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu tiếp tục được đặt ra với ưu thế nổi trội thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, nếu dự án FDI tiếp tục tham gia vào thị trường Việt trong thế đối mặt trực tiếp với các dự án cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam, thì mục tiêu thu hút các dự án FDI quy mô lớn, có tính lan toả cao về công nghiệp, quản trị và đặc biệt là nguồn vốn, sẽ chưa đạt được.