9 tháng đã thấy... mùa xuân!

9 tháng đã thấy... mùa xuân!

(ĐTCK) Các báo cáo vẫn được công bố rải rác, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, đang có sự dịch chuyển ngược chiều giữa chi phí và lợi nhuận toàn bộ khối doanh nghiệp niêm yết.

Chi phí tài chính giảm mạnh

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tiếp giảm thời gian qua, việc các DN tiết kiệm được chi phí lãi vay không có gì bất ngờ, nhưng một con số sụt giảm mạnh chi phí lãi vay cũng mang lại niềm vui không nhỏ cho cổ đông của DN nói riêng, công chúng đầu tư nói chung.

9 tháng đầu năm 2012, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM) phải trả tới hơn 54,5 tỷ đồng chi phí lãi vay. Sang năm 2013, với tình hình kinh doanh thuận lợi hơn, Công ty đã tăng mạnh khoản vay dài hạn và giá trị vay ngắn hạn cũng tăng nhẹ, nhưng tổng chi phí lãi vay chỉ ở mức 30,75 tỷ đồng, tức giảm được 44% so với cùng kỳ, tiết kiệm tuyệt đối được gần 24 tỷ đồng.

9 tháng đã thấy... mùa xuân! ảnh 1

9 tháng đầu năm nay, Cảng Đình Vũ đạt hơn 150 tỷ đồng LNST, bằng 3/4 vốn điều lệ

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thuận lợi, giá vốn hàng bán tăng và chi phí giảm, được vay nhiều hơn, với chi phí thấp hơn để mở rộng kinh doanh là một cách hiệu quả để tăng lợi nhuận. Và Casumina đã làm được điều đó. 3 quý đầu năm, con số lợi nhuận mà công ty này hạch toán lên tới 257,73 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với mức 186,22 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm trước.

Tương tự Casumina, hàng loạt DN ghi nhận mức lãi vay giảm mạnh như CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC), với mức lãi vay phải trả 9 tháng đầu năm 2012 là hơn 20 tỷ đồng, nay giảm về 11,54 tỷ đồng; CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) cũng tương ứng giảm chi phí lãi vay từ mức trên 19 tỷ đồng về 11,67 tỷ đồng; hay CTCP Đường Ninh Hòa (mã NHS) giảm chi phí lãi vay từ 39,06 tỷ đồng về 21,75 tỷ đồng…

Các DN có quy mô hoạt động, quy mô vay vốn lớn chưa công bố BCTC. Nhưng với những gì ghi nhận được từ các DN đã công bố BCTC quý, thị trường hoàn toàn có thể kỳ vọng việc giảm mạnh chi phí lãi vay của các DN niêm yết còn lại. Năm 2011, 2012, chi phí lãi vay “ăn” hết cả lợi nhuận DN. Nhưng năm nay, mọi chuyện có thể sẽ khác.

 

Doanh nghiệp lãi và lãi lớn

Theo BCTC Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP), 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận con số 154,332 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với kết quả cùng kỳ năm 2012 là 151,576 tỷ đồng. Tăng trưởng không lớn, nhưng nếu so sánh con số lợi nhuận nói trên với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng tại thời điểm lập báo cáo (sẽ tăng lên 400 tỷ đồng do Công ty đã thực hiện chốt quyền chia cổ phiếu tỷ lệ 1:1), thì đây lại là một kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu DVP (EPS) 9 tháng đầu năm theo vốn điều lệ cũ lên tới trên 7.700 đồng.

CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 59,024 tỷ đồng, tương đương EPS 9 tháng đầu năm lên tới 6.732 đồng. Vốn có truyền thống sinh lợi lớn, nhưng con số lợi nhuận này của Đá Núi Nhỏ đã giúp Công ty ghi nhận mức tăng trưởng tới 18% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Công ty là 49,95 tỷ đồng.

Với Công ty Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX), năm 2013 đã chứng kiến một bước tiến ngoạn mục, khi Công ty “cầm máu” được vết thương thua lỗ. 3 quý đầu năm, dù còn khiêm tốn, nhưng mức lợi nhuận 2,5 tỷ đồng thay vì lỗ 21,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012 đã phần nào an ủi được NĐT và những người quan tâm đến HAX.

Tại nhiều DN khác, như CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII, do thay đổi cách hạch toán), Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS)…, dù không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận sụt giảm, nhưng lãi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí tỷ lệ sinh lời trên vốn không nhỏ là tín hiệu vui cho TTCK.