80 CTCK đáp ứng yêu cầu tách bạch
Ngày 9/1/2014, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã có thư gửi khách hàng về cung cấp bổ sung dịch vụ quản lý tách bạch tài khoản tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng tại Ngân hàng.
Theo thông báo này, từ ngày 10/1/2014, bên cạnh hình thức quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng với tiền gửi của CTCK bằng tài khoản tổng mở tại ngân hàng như đã làm trước kia, TVSI đã điều chỉnh, cập nhật hệ thống để đảm bảo cho phép khách hàng kết nối trực tiếp với tài khoản giao tiền của khách hàng mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển việt Nam - BIDV.
Thông báo này của Tân Việt cũng diễn ra đồng thời với hàng loạt CTCK khác, do trong năm vừa qua, các CTCK đã có cuộc chạy nước rút, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm và ngân hàng để đảm bảo cung cấp dịch vụ quản lý tiền thứ hai cho khách hàng, là tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT tại ngân hàng, như quy định tại Khoản 4 Điều 50 Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động của CTCK.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, đến ngày 15/1/2014, có 80 CTCK đã đáp ứng yêu cầu này, tăng rất mạnh so với khoảng 60 CTCK như con số cơ quan quản lý đã thông báo cách đây 1 tháng.
Như vậy, trong tổng số 104 CTCK đang tồn tại, ngoại trừ 15 CTCK ngừng hoạt động môi giới, 80 CTCK đã đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, chỉ còn 9 CTCK vẫn chưa đảm bảo sẵn sàng cung cấp thêm quyền chọn cho khách hàng trong dịch vụ quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán NĐT.
Tìm hiểu chi tiết hơn, nguồn tin của ĐTCK cho hay, một số CTCK dù chưa đáp ứng mốc 15/1/2014, nhưng đã có ký biên bản với ngân hàng, và vẫn đang trong lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai như: CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS), CTCP Chứng khoán Tonkin, CTCP Chứng khoán Quốc tế (VISE)…
Chỉ có 4 CTCK chưa thực hiện đầy đủ quy định và cũng chưa có biên bản làm việc với ngân hàng như: CTCK Việt Quốc, CTCK Hoàng Gia (ROSE), CTCK Kenanga, CTCK Kỹ Thương.
Trong số này, CTCK Việt Quốc đã từng bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cảnh cáo và từng bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký từ ngày 31/12/2013 đến 14/1/2014. Chứng khoán Kenanga cũng có một số khó khăn trong nội tại và đã xin dừng tư cách thành viên hai Sở GDCK. Chứng khoán Hoàng Gia chỉ còn vốn chủ sở hữu gần 25 tỷ đồng trên vốn điều lệ 35 tỷ đồng.
Riêng CTCK Kỹ Thương, theo nguồn tin của ĐTCK, hiện vẫn đang trong quá trình làm việc với ngân hàng.
Tăng quyền chọn, nhưng… kém khả thi
Theo tinh thần của cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng Thông tư 210, việc yêu cầu CTCK phải cung cấp thêm một quyền chọn nữa về quản lý tài khoản tiền giao dịch chứng khoán NĐT là NĐT gửi tiền tại tài khoản riêng mở tại ngân hàng đã có kết nối với CTCK, là để đảm bảo tăng khả năng lựa chọn tính an toàn tài khoản tiền gửi NĐT.
Trong một năm qua, không chờ đến mốc 15/1/2014, nhiều CTCK đã chủ động thực hiện cung cấp sớm dịch vụ này cho khách hàng, nhưng thực tế, dù tốn thêm tiền đầu tư, chi phí hàng tháng duy trì dịch vụ, nhưng khách hàng lại hầu như không sử dụng.
Tại CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC), Ban lãnh đạo Công ty cho biết, dù dịch vụ đảm bảo kết nối thông suốt, chất lượng ổn định, ngoại trừ các tác động từ yếu tố ngoài CTCK, nhưng khách hàng của HSC chủ yếu chỉ sử dụng dịch vụ quản lý tiền thông qua tài khoản tổng mà CTCK mở tại ngân hàng, do thuận tiện trong việc giao dịch ký quỹ. Đây cũng là tình trạng chung tại hầu hết các CTCK khác.
Tại Tân Việt, ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cũng cho biết, nếu khách hàng đã sử dụng giao dịch ký quỹ thì đều sử dụng tài khoản tổng, vì nếu không sử dụng tài khoản tổng, CTCK sẽ không chủ động trong việc cấn trừ tiền của khách hàng sau khi khách hàng kết thúc giao dịch ký quỹ, và khi đó, dịch vụ margin sẽ rơi vào ngõ cụt vì chẳng CTCK nào chấp nhận… thả gà ra đuổi.