89% doanh nghiệp không dự đoán được thay đổi trong quy định của pháp luật về kinh doanh

89% doanh nghiệp không dự đoán được thay đổi trong quy định của pháp luật về kinh doanh

89% doanh nghiệp không dự đoán được tương lai

Tham gia mạnh mẽ hơn vào cơ chế xây dựng và giám sát thực thi các chính sách liên quan đến đầu tư – kinh doanh là cách để doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VCCI rà soát việc thực thi các giải pháp, chính sách thúc đẩy kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ  theo định kỳ 3 tháng.

“Bất cứ sự chậm trễ nào trong thực thi, dù ở đâu, nguyên nhân ra sao sẽ được doanh nghiệp phát hiện và đề nghị tháo gỡ , ông Lộc nói.

Đặc biệt, ông Lộc cho biết thêm, VCCI cũng sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh hiện hành, phát hiện những nội dung chưa thống nhất, không còn phù hợp, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất Chính phủ xem xét, có thể trình Quốc hội sửa đổi theo hình thức một luật sửa nhiều luật như đã từng áp dụng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.

“Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi sự hậu thuẫn chắc chắn và thống nhất của khung khổ pháp lý, doanh nghiệp không thể chờ đợi đến lịch sửa luật, thường kéo dài tới vài năm”, ông  Lộc nhấn mạnh và tin rằng, các đề xuất của VCCI sẽ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Cũng phải nói thêm, trước đó, khi Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia  được ban hành, đề xuất tương tự đã được tính tới. Bởi, với hàng loạt tiêu chí cụ thể cũng như địa chỉ thực hiện đã được xác định, như đến hết năm 2015, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 6 ngày; thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm; thời gian tiếp cận điện năng đối với doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày; thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp  còn tối đa 30 tháng…, các điều kiện kinh doanh sẽ được cải thiện rất đáng kể. 

“Theo tiến độ, 30/4 tới đây sẽ là hạn định cuối để các bộ, ngành báo cáo Kế hoạch hành động cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi muốn tham gia ngay vào quá trình giám sát thực hiện để đảm bảo không chỉ tiến độ mà cả chất lượng của những cải cách tới đây”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, đề xuất này của VCCI sẽ kéo theo những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ lớn từ cả hai phía – doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Bởi, nhìn lại quá trình tham gia ý kiến của doanh nghiệp vào hoạt động xây dựng pháp luật, khảo sát của VCCI năm 2013 cho thấy, có tới 82% doanh nghiệp trong nước chưa tham gia góp ý các dự thảo quy định, chính sách.

Đặc biệt, chỉ một số ít (khoảng 11%) doanh nghiệp cho biết  có thể  dự đoán được những thay đổi trong quy định pháp luật ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ, chưa tới 7% có thể dự đoán được việc thực hiện của tỉnh đối với các quy định pháp luật của trung ương. 

Mới đây nhất, các doanh nghiệp đã phải bức xúc lên tiếng đề nghị xem xét lại quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013, có hiệu lực ngay từ 1/1/2014 nhưng đến ngày 17-2-2014 mới công bố trên trang web của Tổng cục Thuế trong khi có nội dung hồi tố chonhững hoạt động của doanh nghiệp trước đó...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện trạng này là việc tiếp cận các dự thảo văn bản còn nhiều hạn chế. Trong số 18% doanh nghiệp từng tham gia góp ý cho dự thảo quy định, chính sách, có chưa đến 2/3 cho biết, ý kiến của họ được cơ quan nhà nước liên quan trả lời hoặc tin rằng, ý kiến của họ được sử dụng.

“Dù vậy, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp có xu hướng tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn khi họ được tham gia vào quá trình xây dựng quy định pháp luật. Nếu cơ quan soạn thảo cầu thị hơn, có phản hồi đối với những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, thì việc chấp hành chính sách và pháp luật của họ sẽ nghiêm túc hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc Dự án PCI – đơn vị thực hiện khảo sát, cho biết.

Một nghiên cứu khác của VCCI cũng chỉ ra rằng, chất lượng các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng suy giảm, một phần do năng lực của các bộ phận pháp chế của các bộ, ngành chưa cao và bị quá tải.

Nhưng, để việc tham gia ý kiến cũng như giám sát thực thi của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách của doanh nghiệp có hiệu quả, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần công khai kịp thời các dự thảo quy định, chính sách có liên quan tới doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có đủ thông tin, cơ hội và sự thuận lợi khi tham gia ý kiến.

Thậm chí, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế kiến nghị, việc xếp hạng các bộ, ngành có cải cách mạnh nhất nên chăng được VCCI thực hiện, tương tự như xếp hạng chỉ số điều hành kinh tế tỉnh PCI. “Sự tham gia của mạnh mẽ của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các chương trình hành động của Chính phủ về đúng đích”, bà Lan nói.

Tin bài liên quan