Ảnh Internet

Ảnh Internet

84% người tiêu dùng chưa hiểu đầy đủ về sự khác biệt giữa tài chính xanh và tài chính đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 7 trong 10 khách hàng Việt Nam (68%) sẽ cân nhắc chuyển đổi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hiện tại của mình sang một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có cam kết mạnh mẽ hơn về phát triển bền vững.

Mambu vừa ra mắt báo cáo khảo sát về sự hiểu biết và tương tác của khách hàng với tài chính xanh. Báo cáo "Trên phương diện bền vững, cỏ có xanh hơn?" (Is the grass greener on the sustainable side?) khảo sát với hơn 6.000 người trên toàn cầu, bao gồm hơn 500 khách hàng tại Việt Nam, trong bối cảnh số lượng người tiêu dùng dịch chuyển hành vi mua hàng của mình sang chú trọng bền vững hơn trong 5 năm qua đang ngày càng gia tăng.

Theo quan sát của Mambu, xu hướng mua hàng có mục đích này của người tiêu dùng không chỉ tồn tại trong thương mại, mà đã tràn sang các dịch vụ tài chính, khi người tiêu dùng ngày càng yêu cầu các dịch vụ và sản phẩm tài chính bền vững hơn. Người tiêu dùng muốn tiền của họ để làm những việc tốt đẹp.

Kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng hơn 2/3 (67%) người tiêu dùng muốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của họ trở nên bền vững hơn trong tương lai. Bà Anna Krotova, Giám đốc Bền vững Mambu cho biết, nghiên cứu của Mambu cho thấy người tiêu dùng ngày càng tìm cách để đưa ra các quyết định tài chính xanh hơn, nhưng vẫn hoài nghi về mức độ cam kết của các ngân hàng đối với chương trình phát triển bền vững.

"Họ muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc biến tài chính xanh trở thành tương lai của ngành tài chính, do vậy, đó là cơ hội rất lớn cho những người trong cuộc có tư duy đi trước thời đại để dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi này. Mambu trao quyền cho các tổ chức tài chính làm điều đó và xây dựng các sản phẩm tài chính bền vững một cách nhanh chóng và hiệu quả về chi phí để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", bà Anna Krotova nói.

Báo cáo khảo sát cũng làm rõ hai định nghĩa chính là tài chính "xanh" và tài chính "đạo đức". Đây là hai thuật ngữ phổ biến trong ngành, nhưng lại đang gây ra một mức độ nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trên toàn cầu, chỉ có 41% người tiêu dùng đã nghe nói đến tài chính đạo đức, tài chính xanh hoặc cả hai. Con số này tăng lên 47% người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam có tỷ lệ này là 56%, cao thứ hai trong các nước khảo sát, chỉ đứng sau Thái Lan với 64%.

Thêm vào đó, khi nói đến tài chính xanh, định nghĩa của người tiêu dùng cũng khác nhau. Khoảng 35% người tiêu dùng toàn cầu hiểu tài chính xanh là “Dịch vụ tài chính tài trợ cho các tổ chức và dự án có tác động tích cực đến hành tinh”, tỷ lệ này ở Việt Nam chiếm 46%, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Xét theo nghĩa tài chính xanh là “các dịch vụ tài chính thể hiện cam kết mạnh mẽ về bền vững và các mục tiêu ESG rộng lớn hơn” thì 33% người tiêu dùng toàn cầu hiểu theo nghĩa này, ở Việt Nam là 50%, cũng là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Và cuối cùng, hiểu tài chính xanh là “các dịch vụ tài chính có lượng carbon thấp và hỗ trợ sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường”, thì 29% người tiêu dùng toàn cầu đồng ý quan điểm này, còn số này ở Việt nam là 37%, tỷ lệ tương đương với Thái Lan, Malaysia và Singapore ở Đông Nam Á.

Chia sẻ thêm về kết quả khảo sát, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng (84%) không hiểu đầy đủ về sự khác biệt giữa tài chính xanh và tài chính đạo đức. Theo đó, tài chính xanh - một sản phẩm được thiết kế để bảo vệ môi trường hoặc để quản lý các tác động của tài chính và đầu tư lên môi trường; và tài chính đạo đức – là tài chính trong đó không chỉ xem xét lợi nhuận tài chính mà còn xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

"Những số liệu thống kê này cung cấp một bức tranh rõ nét hơn về cách người tiêu dùng Việt Nam cảm nhận mối liên hệ giữa tài chính xanh và tài chính đạo đức, đồng thời, cho thấy nhu cầu về giáo dục và truyền thông trong ngành này cần phải nhiều hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 52% người tiêu dùng Việt Nam mong muốn các ngân hàng thể hiện cam kết bền vững của họ bằng cách thêm hoặc tạo ra các quà tặng, phần thưởng, hoặc chương trình khách hàng thân thiết để khuyến khích khách hàng đưa ra các quyết định tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi bền vững. Khoảng 49% cho rằng ngân hàng cần làm cho khách hàng nhận thức được các cam kết bền vững của mình xuyên suốt các sản phẩm và dịch vụ có áp dụng cam kết này.

Gần 6/10 (58%) người tiêu dùng Việt Nam sẽ coi trọng tài khoản tiết kiệm xanh và trái phiếu, cùng với khoảng một nửa (49%) yêu thích thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bền vững. Một ưu tiên khác ở Việt Nam là dịch vụ tiền điện tử bền vững (48%) - cùng với Thái Lan là quốc gia duy nhất khác mà dịch vụ này được coi là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng như ở tất cả các quốc gia đã khảo sát, nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam (65%) tin rằng tổ chức tài chính hiện tại của họ vẫn đang dùng tài chính xanh với mục đích chỉ để đánh bóng tên tuổi. Nếu các ngân hàng muốn thu hút được khách hàng, họ cần phải xem xét các cam kết của mình để đảm bảo rằng họ đang tạo ra sự khác biệt hữu hình và có thể đo lường được. Điều đó có nghĩa là xem xét lại tác động môi trường của toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ: người tiêu dùng là những người hiểu biết và sẽ nhận ra rằng việc cung cấp các sản phẩm tài chính xanh không chống lại các hoạt động gây ô nhiễm ở những nơi khác.

Tin bài liên quan