Báo cáo này được đưa ra dựa theo yêu cầu từ Hội đồng liên chính phủ gồm 39 nước của UNESCO, hãng tin AFP cho hay.
Trong vòng 10 năm, từ năm 2006 đến năm 2015, tổng cộng đã có 827 nhà báo bị thiệt mạng trong lúc tác nghiệp trên toàn thế giới.
Về tổng thể, khu vực có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất là các nước Ả rập, bao gồm Syria, Iraq, Yemen và Libya. Khu vực tiếp theo là các nước Mỹ Latinh.
AFP nhận định rằng không quá ngạc nhiên khi 59% số vụ thiệt mạng trong hai năm cuối giai đoạn này xảy ra tại các vùng chiến sự. Tổng cộng đã có 213 nhà báo thiệt mạng trong hai năm cuối, trong đó có 78 người chết khi đang tác nghiệp ở các nước Ả rập.
Một số khu vực khác cũng cho thấy tình trạng đáng lo ngại, điển hình như Tây Âu và Bắc Mỹ. Trong suốt từ năm 2006 đến 2014, không có nhà báo nào thiệt mạng trong lúc tác nghiệp nhưng một năm sau đó đã vọt lên con số 11 trường hợp.
Báo cáo của UNESCO cũng cho thấy 90% số nhà báo thiệt mạng là các nhà báo nước sở tại. Tuy nhiên, ghi nhận trong riêng năm 2014 đã có 17 nhà báo bị sát hại khi hoạt động ở nước ngoài, cao hơn mức trung bình của bốn năm trước đó.
Các nhà báo nam đối mặt với nguy hiểm và có nguy cơ bị giết cao gấp 10 lần nhà báo nữ. Lý do cũng có thể vì các nhà báo nam chấp nhận tác nghiệp trong môi trường làm việc hiểm nguy nhiều hơn.
Giai đoạn 2014 - 2015, có 213 nhà báo bị sát hại, trong đó 195 nạn nhân là nam. Trong nghề báo, phóng viên truyền hình đã không còn là mảng dễ bị tổn thương nhất nữa.
Theo UNESCO, bên cạnh việc bị sát hại trực tiếp bằng súng hay các công cụ khác, cần phải kể đến những nguyên nhân khác khiến những người này thiệt mạng, bao gồm “các vụ bắt cóc, giam giữ tùy tiện, tra tấn, đe dọa và quấy rối, cả trực tuyến lẫn không trực tuyến”.