Tình hình chung, 80 doanh nghiệp này công bố tổng doanh thu đạt được gần 421.000 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 53.400 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm trước. Con số này có sự cải thiện so với mức 8,3% tăng trưởng doanh thu và 14,0% tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.
Như vậy, sau 9 tháng, 80 doanh nghiệp này đã đạt được hơn 1,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2018 và 153.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả quý III (và cả 9 tháng đầu năm) của nhóm này được dẫn dắt chủ yếu bởi khối ngân hàng, đặc biệt là Vietcombank, các công ty thuộc Tập đoàn Vingroup (Vinhomes, Vincom Retail) và Masan Group (thông qua Masan Resources). Riêng khối ngân hàng, dù chỉ đóng góp 20% doanh thu, nhưng chiếm tới 42,9% tổng lợi nhuận sau thuế, dẫn đầu là Vietcombank khi công bố mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục (trong đó, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 27,4% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 72,0%, vượt xa kỳ vọng của thị trường).
Tập đoàn Masan công bố lợi nhuận đạt 2.228 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 198% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh nghiệp nhận được hết tiền đền bù từ Jacos (cho Masan Resources). Xét riêng mảng hoạt động tiêu dùng (thông qua Masan Consumer Holdings), doanh thu tăng trưởng 4,4% và lợi nhuận sau thuế giảm 7,1% so với cùng kỳ. Trong nhóm công ty thuộc Tập đoàn Vingroup, Vinhomes công bố ghi nhận doanh thu lên tới gần 11.000 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên gần 5.500 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Vincom Retail cũng công bố doanh thu giảm 25%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 29,0% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng (Coteccons, Hòa Bình) hay liên quan đến vật liệu xây dựng (thép) và ngành dầu khí (PVD, PVS) vẫn còn gặp khó khăn.
Ở chiều ngược lại, có 10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm ngoái và số giảm tuyệt đối lớn hơn 100 tỷ đồng, bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (giảm 614 tỷ đồng), Novaland (giảm 356 tỷ đồng), Tổng công ty Khí Việt Nam (giảm 317 tỷ đồng), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (giảm 311 tỷ đồng), Coteccons (giảm 308 tỷ đồng), Tập đoàn Nam Long (giảm 274 tỷ đồng), Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (giảm 160 tỷ đồng), Tập đoàn Xây dựng địa ốc Hòa Bình (giảm 135 tỷ đồng) và Tập đoàn Dabaco (giảm 134 tỷ đồng). Tổng cộng lợi nhuận sau thuế của 10 doanh nghiệp này trong quý III/2019 giảm gần 3.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể từng doanh nghiệp, thực chất không quá bi quan như vậy và nhà đầu tư có thể kỳ vọng kết quả tích cực hơn từ quý IV/2019 hoặc trong năm 2020.
Kết quả kinh doanh quý III giảm là do kết quả kinh doanh cùng kỳ năm trước rất cao (như HPG khi quý III/2018 có lợi nhuận sau thuế lên tới 2.400 tỷ đồng. Hay với VHC, việc giá cá nguyên liệu đầu vào thấp kỷ lục trong quý III năm ngoái giúp Công ty duy trì biên lợi nhuận cao (lợi nhuận gộp gần 20% và lợi nhuận ròng 13,5%). Riêng với HPG, giá quặng giảm lại về mức trên 80 USD/tấn so với đỉnh hơn 120 USD/tấn trong tháng 8 do nhà máy sản xuất quặng tại Brazil phục hồi sau vụ vỡ đập Vale và giá than coke cũng như thép phế liệu ổn định được kỳ vọng sẽ giảm áp lực chi phí nguyên liệu trong các quý sau.
Do đặc thù ngành bất động sản (Novaland, Nam Long) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi bàn giao. Tình hình mở bán của cả hai doanh nghiệp này đều khá khả quan. Ví dụ, Novaland ước tính tổng lượng mở bán thành công năm nay có thể đạt 7.000 - 7.500 sản phẩm cao hơn so với kế hoạch đầu năm (khoảng 6.000 sản phẩm) và cao hơn 1.353 sản phẩm chào bán thành công trong năm 2018.
Giá bán khí tạm ước cho một nhóm hộ công nghiệp (điện) khá thấp khiến kết quả kinh doanh quý III và 3 quý đầu năm thấp, nhưng có thể được ghi nhận với mức cao hơn (cho quý IV và các quý sau) dẫn tới kết quả quý IV có thể tăng đáng kể cho Tổng công ty Khí Việt Nam; hoặc việc dừng hoạt động để sửa chữa, và doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán tiền bảo hiểm bồi thường và có thể được ghi nhận trong quý IV (như Đạm Phú Mỹ).
Các doanh nghiệp xây dựng có thể vẫn còn tiếp tục khó khăn với mức độ cạnh tranh gay gắt trong ngành, nhưng với đà phát triển kinh tế, kỳ vọng triển khai các dự án hạ tầng lớn thì năm 2020 khả năng sẽ không xấu hơn.
Dabaco: ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả châu Phi tiếp tục trong nỗ lực tái đàn quý III. Tuy nhiên, với giá thịt lợn bật tăng mạnh từ cuối tháng 9, đặc biệt từ giữa tháng 10 (vượt mức 60.000 đồng/kg, so với mức trung bình 42.000 - 43.000 đồng/kg trong quý III/2018) được kỳ vọng sẽ giúp tăng đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong nhóm các công ty có vốn hoá lớn, kết quả ấn tượng nhất trong quý III/2019 có lẽ thuộc về:
- Vietcombank (như đề cập ở trên)
- Sabeco: doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam báo doanh thu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi tăng mạnh 42,2% so với cùng kỳ do doanh thu tăng, biên lợi nhuận gộp được cải thiện (lên 24,6% so với 21,7% trong quý III/2018) và quản lý hiệu quả chi phí SGA (chỉ ở mức 7,83%/doanh thu, so với 7,75%/doanh thu của cùng kỳ năm ngoái).
- Tập đoàn Bảo Việt, với doanh thu thuần phí bảo hiểm tăng 17,0%, lợi nhuận sau thuế tăng 351,7% do tổng chi phí bảo hiểm trực tiếp (bao gồm tổng chi bồi thường, chi hoa hồng, trích dự phòng) tăng thấp hơn tốc độ tăng thu phí và quản lý hiệu quả chi phí SGA.
- Vincom Retail (như trên)
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam, với doanh thu gần như không đổi, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 188%, chủ yếu đến từ cải thiện biên lợi nhuận gộp, chi phí tài chính và chi phí bán hàng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý kết quả kinh doanh rất thấp so với quý trước đó (quý II/2019) khi Tổng công ty công bố chỉ đạt được 79 tỷ lợi nhuận sau thuế.
- Thế giới di động, với doanh thu tăng 20,3% và lợi nhuận sau thuế tăng 32,0% so với cùng kỳ do doanh nghiệp thành công trong việc cải thiện biên lợi nhuận (biên lợi nhuận gộp đạt tới 19,7% và biên lợi nhuận ròng đạt 3,4%).
Trong nhóm các công ty có vốn hóa nhỏ hơn (của nhóm 80 doanh nghiệp niêm yết), kết quả ấn tượng nhất thuộc về:
- Xi măng Hà Tiên 1 (HT1 VN): doanh thu và lợi nhuận, tăng tương ứng 8,6% và 82,4%.
- PVTrans (PVT): doanh thu chỉ tăng 0,4%, nhưng lợi nhuận cải thiện 42,7%.
- Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi: doanh thu giảm 9% (chủ yếu do mảng đường), nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 23,9% (nhờ mảng sữa đậu nành tiếp tục hoạt động hiệu quả).
- Thế giới số (DGW): doanh thu tăng tới 50,1% (do tiếp tục mở rộng các sản phẩm phân phối) và lợi nhuận tăng 42,1%.
- Vicostone: doanh thu tăng gần 39% và lợi nhuận sau thuế tăng 30,5%, đạt 351 tỷ đồng.