Dù bạn có nhận ra hay không thì cách bạn được nuôi dưỡng có ảnh hưởng lớn đến cách bạn ra quyết định khi trưởng thành. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ đổ lỗi cho cha mẹ về những sai lầm tài chính của mình, mà một khi bạn đã hiểu ra gốc rễ những thói quen xấu của mình, bạn cần có nỗ lực thay đổi chúng.
Dưới đây là tám hành vi của cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiền bạc của con và những gì người con có thể làm để vượt qua, theo DailyWorth:
Cha mẹ quá tiết kiệm
Cha mẹ luôn cố dạy bạn bài học về tiết kiệm và dường như từ chối tất cả những gì bạn muốn mua sắm khi còn nhỏ. Lớn lên, bạn sẽ chi tiêu hoang phí để bù đắp lại việc bị từ chối thời thơ ấu.
Giải pháp: Nói chuyện với cha mẹ về việc tại sao họ lại tiết kiệm, bạn có thể sẽ biết thêm nhiều lý do mà thời trẻ bạn không hiểu được. Nếu ý chí của bạn không đủ mạnh để ngăn chặn việc bội chi, hãy lập một kế hoạch tiết kiệm tự động.
Đừng để lịch sử lặp lại, nếu bạn có con, hãy cho con biết tại sao cần thận trọng khi tiêu tiền để con biết lợi ích của việc tiết kiệm và không cảm thấy uất ức vì cha mẹ "keo kiệt".
Cha mẹ dùng tiền làm hư con
Có thể cha mẹ tước bỏ thứ gì đó của bạn (không có thời gian cho bạn, không cho bạn một gia đình đầy đủ, hoặc đơn giản là không làm việc gì đó mà bạn cần...), và đổi lại họ chọn cách cho tiền bạn để bù đắp.
Bạn lớn lên trong cuộc sống thừa thãi vật chất và không chờ đợi điều gì cả. Vấn đề là khi lớn lên, bạn sẽ không có đủ thu nhập để có thể đáp ứng cuộc sống tiêu pha của mình, từ đó dẫn đến những khoản nợ không cần thiết.
Giải pháp: Thay đổi ý thức về quyền lợi của bạn: từ việc có rất nhiều đồ đạc bây giờ sang tự do tài chính sau này. Hãy thử thách bản thân xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu mình sống đơn giản, sau đó chỉ dùng tiết kiệm cho các mục tiêu quan trọng như mua nhà, nghỉ hưu hoặc lập gia đình.
Cha mẹ làm từ thiện quá nhiều
Cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này. Bạn cũng nhân ái như cha mẹ nhưng nguy cơ là sẽ cho đi nhiều hơn khả năng của mình. Từ thiện là một khái niệm tuyệt vời và cao quý, nhưng chúng ta thường dễ bị cảm xúc lấn át, dẫn đến việc nói "có" quá thường xuyên.
Giải pháp: Quyết định việc nào quan trọng nhất đối với bạn và tạo một khoản ngân sách dành cho từ thiện ngay bây giờ với những việc mà bạn dự định sẽ làm trong năm sau.
Ngân sách này nên bao gồm một phần cho những đề nghị bất ngờ mà có thể bạn muốn hỗ trợ. Sau đó, thiết lập thanh toán tự động thông qua ngân hàng của bạn cho các tổ chức từ thiện được lựa chọn và để cho tổ chức từ thiện biết những gì bạn mong đợi.
Cha mẹ không bao giờ dạy con về tiền bạc
Đây là một vấn đề phổ biến, thường do cha mẹ cũng không được giáo dục về tài chính. Người ta cho rằng tiền là điều tế nhị và ngại nói về nó, vì vậy nhiều cha mẹ đã không nói chuyện về tiền với bạn.
Bạn có thể sẽ rất dại dột trong quản lý tài chính, hoặc chi tiêu quá mức, hoặc không biết tiết kiệm, không biết đầu tư hoặc không có kế hoạch tài chính nói chung. Bạn không có nền tảng kiến thức về quản lý tiền bạc, vì vậy sẽ mắc sai lầm.
Giải pháp: Hãy đi học, có thể học trực tuyến hoặc theo các lớp học trực tiếp, hay gặp gỡ một cố vấn tài chính. Nếu bạn có con, hãy nói chuyện với trẻ về tiền bạc và để con tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch tài chính của bạn.
Bố mẹ nghĩ tiêu cực về thị trường chứng khoán
Có thể do đã thất bại trong đầu tư, và giờ đây cha mẹ coi nơi để tiền lý tưởng nhất là ở trong nhà. Bạn cũng tránh đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản. Để dành tiền có vẻ là lựa chọn an toàn, nhưng nếu muốn nghỉ hưu thoải mái, bạn cần phải gia tăng số tiền càng nhiều càng tốt.
Giải pháp: Hãy nghiên cứu đầy đủ các cách đầu tư để đảm bảo bạn biết rõ mình đang làm gì, việc đó có phù hợp với mục tiêu và khả năng chịu đựng rủi ro của bạn hay không. Danh mục đầu tư của bạn cần đa dạng để bạn không gặp những rủi ro không cần thiết.
Bố mẹ sống lãng phí
Có lẽ họ sống như bồi thường cho những gì họ cảm thấy bị tước đoạt thời trẻ hoặc họ không muốn kém người khác. Bạn vì thế cũng sống lãng phí hơn nhu cầu thực tế và vượt quá khả năng của mình. Dù bạn cố không đi vào vết xe đổ của cha mẹ nhưng việc đó vẫn xảy ra. Lớn lên trong một gia đình mà mọi người sống xa hoa, sẽ rất khó để bạn chấp nhận một cuộc sống tiết kiệm.
Giải pháp: Nếu bạn không thể tự đi xa khỏi môi trường cám dỗ chi tiêu thì bạn cần phải đặt ra những ràng buộc cho bản thân: thiết lập khoản tiết kiệm tự động, không chi tiêu bằng thẻ tín dụng kiểu tiêu trước trả tiền sau.
Mẹ sống phụ thuộc
Dù bà kết hôn với một hay hai chồng, mẹ bạn đều được chồng chu cấp và không phải lo về tài chính (ít nhất là bạn nhận thấy thế). Và bạn cũng mong chờ một chàng bạch mã hoàng tử hỗ trợ tài chính cho mình. "Tại sao bạn phải đấu tranh kiếm sống nếu mẹ bạn không phải làm như vậy?" - câu hỏi tiềm thức này thường dẫn đến sự trì hoãn và hành vi vô trách nhiệm với tài chính.
Giải pháp: Hãy tỉnh giấc để chấm dứt câu chuyện cổ tích này. Đừng chờ người khác cứu mình mà hãy cứu lấy chính mình. Kết quả cuối cùng sẽ khiến bạn hài lòng hơn và bạn có thể tự hào là hình mẫu độc lập về tài chính, là cảm hứng cho con cái của bạn và những người khác.
Cha mẹ ly dị
Đây là một thực tế không may cho rất nhiều gia đình và là một nguyên nhân lớn cho tất cả các loại vấn đề tâm lý ở con cái, bao gồm cả những quyết định tài chính sai lầm.
Người con quyết tâm sống hạnh phúc mãi mãi, bằng cách kết hôn sớm, mua nhà sớm, sống trên khả năng của mình, dẫn đến mắc nợ, căng thẳng về tài chính - và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Chu kỳ luẩn quẩn vẫn tiếp tục.
Giải pháp: Hãy cam kết luôn độc lập về tài chính ngay cả khi bạn kết hôn. Điều này có nghĩa là phải duy trì các tài khoản riêng của bạn để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, coi đó là một ưu tiên trong hôn nhân của bạn, để đóng góp vào tài khoản tiết kiệm dành cho hưu trí càng nhiều càng tốt.