Theo đó, ông Hiển cho biết, trong năm 2017, Bộ, ngành tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện ở 10 sự kiện nổi bật mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt tại Quyết định số 2691/QĐ-BTP ngày 29/12/2017.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và các nhiệm vụ Chính phủ giao về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ Tư pháp đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2018, cụ thể:
Bộ, ngành Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019, trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các Nghị quyết lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 6.
Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp sẽ đẩy mạnh công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới vừa được Quốc hội thông qua (như: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015…).
Bộ cũng chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trong năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, án tham nhũng; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc so với năm 2017; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.
Đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động của ngành, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế, nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài; thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Bộ, ngành Tư pháp cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin thực chất, hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng các mặt công tác, đưa lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.