8 nhân tố tác động tới tương lai ngành ngân hàng

8 nhân tố tác động tới tương lai ngành ngân hàng

(ĐTCK) Trước những thay đổi về môi trường hoạt động và xu hướng sử dụng dịch vụ tài chính - tiền tệ của người dân, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có giải pháp thích nghi để tồn tại và phát triển ổn định trong thời gian tới. 

Bên cạnh những nỗ lực tự thân của các ngân hàng, cần có sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu chiến lược.

8 nhân tố quan trọng tác động đến hoạt động ngân hàng

Thứ nhất, môi trường pháp lý ngân hàng trên thế giới và Việt Nam đang thay đổi theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn đối với những rủi ro hệ thống tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng, đặc biệt là các định chế tài chính có ảnh hưởng toàn cầu. Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng theo Basel III (lộ trình 2013-2019), tại Việt Nam là Thông tư 36 (hiệu lực từ 1/3/2015) và 10 ngân hàng được lựa chọn áp dụng chuẩn mực theo Basel II (đến 2018), châu Âu ra chỉ thị riêng về thị trường tài chính - ngân hàng, trong khi Mỹ đã quản lý thận trọng theo Đạo luật Dodd-Frank từ năm 2010…

Câu chuyện thay đổi pháp lý cho thấy, đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với hệ thống ngân hàng sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2009) xảy ra. Tất nhiên, các quốc gia đều lựa chọn siết chặt một cách hợp lý. Mặc dù vậy, đi kèm với điều này là sự gia tăng chi phí hoạt động cho hệ thống ngân hàng, chẳng hạn để tuân thủ áp dụng Basel II, có ngân hàng đã phải bỏ ra hàng chục triệu USD.

Thứ hai, công nghệ thông tin (IT) đang làm thay đổi cuộc sống nhanh chóng. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 44% dân số dùng Internet, 143 triệu thuê bao di động, hơn 30 triệu người dùng facebook... Xu thế này vừa tạo ra cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Đó là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, tăng quảng bá - bán hàng; song cũng tạo ra thách thức về nguồn tài chính đầu tư, nhân lực có khả năng quản lý, khai thác công nghệ và rủi ro hoạt động (nhất là rủi ro công nghệ).

Tuy nhiên, theo nghiên cứu định lượng của Công ty McKinsey năm 2014, tổng lợi ích vẫn lớn hơn tổng chi phí khoảng 15% lợi nhuận ròng.

8 nhân tố tác động tới tương lai ngành ngân hàng ảnh 1

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế  

Thứ ba, sự thay đổi dân số học. Tốc độ thay đổi dân số; cấu trúc gia đình thay đổi; cấu trúc tôn giáo, tín ngưỡng thay đổi; dân số già đi, thu nhập tăng nhanh… thì dịch vụ tài chính - ngân hàng cũng phải thay đổi để bắt kịp. Chẳng hạn, khi dân số già đi (Việt Nam đã bắt đầu bước ngoặt dân số già đi từ năm 2015, theo báo cáo gần đây của WB), cần thiết kế dịch vụ quản lý lương hưu như thế nào, giao dịch qua chi nhánh và ngân hàng điện tử phải có một cấu trúc phù hợp.

Đồng thời, với dân số già đi, người dân tiết kiệm nhiều hơn, vay mượn ít hơn, nhưng nhu cầu quản lý tài sản tăng, nhu cầu dịch vụ tư vấn (có trả phí) tăng, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Thứ tư, sự thay đổi về hành vi của khách hàng. Khách hàng ngày càng trở nên khó tính, thông minh và thông thạo công nghệ hơn. Hiện nay, thế hệ trẻ ít đến chi nhánh ngân hàng hơn và chủ yếu giao dịch qua Mobile Banking, Internet Banking, bởi vậy hệ thống nhà băng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thứ năm, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt, không những giữa các ngân hàng với nhau mà còn đến từ các tổ chức phi ngân hàng (công ty làm dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay, công ty viễn thông như Vnpay, MoMo, Payoo…). Các công ty trung gian này cung cấp dịch vụ thanh toán, tiền gửi, cho vay nhanh chóng, thuận tiện, cạnh tranh trực tiếp với các NHTM.

Thứ sáu, hội nhập quốc tế và liên kết là điểm thể hiện rất rõ ở Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đương nhiên hội nhập quốc tế sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Cơ hội sẽ là mở rộng thị trường, khách hàng, đối tác; có điều kiện giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh (chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị…); tăng cơ hội huy động vốn, đầu tư và phân bổ vốn hiệu quả hơn…

Thách thức từ hội nhập sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt hơn, đôi khi mất thị phần; rủi ro lan truyền (trường hợp công ty mẹ của tổ chức nước ngoài có khó khăn); rủi ro dòng vốn luân chuyển nhanh hơn (nếu không quản lý tốt sẽ gây khủng hoảng); rủi ro chảy máu chất xám; thách thức trong quản lý do mức độ khác nhau về trình độ phát triển, văn hóa, tập quán và cơ sở hạ tầng; giảm tính tự chủ, độc lập trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở các nước không phải dễ dàng…

Việt Nam được đánh giá là có lợi nhiều hơn thách thức từ các hiệp định hợp tác quốc tế hiện nay như TPP, EV FTA, AEC… Vấn đề là làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức.

Thứ bảy, thị trường tài chính ngày càng phức tạp, tinh vi. Sự phát triển sản phẩm - dịch vụ tài chính - ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, cho dù tại các ngân hàng lớn hiện nay đã có hàng trăm sản phẩm ngân hàng bán buôn, bán lẻ, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Thế giới còn bắt đầu xuất hiện những sản phẩm cực kỳ tinh vi như ví điện tử, onecoin, bitcoin, chứng khoán hóa, phái sinh… Rõ ràng, hệ thống ngân hàng nếu không sáng tạo, không có những sản phẩm - dịch vụ mới cùng với mô thức quản lý mới sẽ không theo kịp thời đại.

Thứ tám, sự quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ (CNY). Bắt đầu từ ngày 1/10/2016, CNY sẽ chính thức là 1 trong 5 đồng tiền được công nhận trong rổ tiền SDR. Theo Ngân hàng Standard Chartered (Anh), dự trữ bằng đồng CNY trên thế giới sẽ đạt 5% đến năm 2020. Trung Quốc đã và đang có nhiều chính sách nâng cao vị thế và mức độ sử dụng đồng CNY trên thế giới. Với xu thế này, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, nhất là trong đồng tiền thanh toán quốc tế, đầu tư, tín dụng và dự trữ ngoại hối…

Vai trò của Chính phủ

Chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thành tái cơ cấu các TCTD yếu kém còn lại và tháo gỡ vướng mắc xử lý dứt điểm nợ xấu; đồng thời,  tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá (thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng).

Song song với đó là kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh (nhất là các thủ tục thuế, hải quan, hành chính công…); chỉ đạo cải thiện phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, hoàn thiện thể chế ổn định tài chính - tiền tệ…).

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo phát triển cân bằng thị trường tài chính (thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường phái sinh tài chính, các quỹ đầu tư, giảm tải áp lực nguồn vốn trung dài hạn đối với hệ thống các TCTD); và nới room tham gia của tư nhân (cả nhà đầu tư nước ngoài) đối với 3 NHTM lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank) cũng như tham gia xử lý nợ xấu. Đồng thời, định hướng, hỗ trợ hệ thống hệ thống các TCTD hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt cam kết mở cửa hệ thống tài chính - ngân hàng và tiến tới xây dựng ngân hàng trung ương độc lập hơn, hiện đại hơn.

8 nhân tố tác động tới tương lai ngành ngân hàng ảnh 2

Sự song hành của NHNN

Thời gian qua, NHNN đã quyết liệt, xây dựng và triển khai khá thành công Đề án Tái cơ cấu các TCTD cũng như trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, NHNN cần hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu lại các TCTD; có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tạo tiền đề cho giai đoạn 2 và sau này. Thứ hai, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu (xử lý tài sản bảo đảm, thị trường mua bán nợ, cơ chế xử lý chênh lệch giá mua - bán nợ xấu…), để có thể xử lý dứt điểm nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020; tiếp đến, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025, trong đó cần lưu ý cấu phần hội nhập và kế hoạch đột phá phát triển dịch vụ ngân hàng theo hướng gắn với kỹ thuật số, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho khách hàng.

Thứ tư, hoàn thiện đồng bộ quy định đổi mới hệ thống quản trị DN, quản trị rủi ro, minh bạch hóa và tăng năng lực tài chính của các TCTD; đồng thời, định hướng, hỗ trợ TCTD nhiều hơn trong hội nhập quốc tế (bao gồm cả đầu tư hải ngoại), áp dụng quản lý rủi ro theo Basel II đúng lộ trình; hoàn thiện thể chế ngành ngân hàng, trong đó cần xem xét, đề xuất sửa đổi Luật NHNN và Luật Các TCTD (sau hơn 5 năm thực hiện đã bộc lộ một số điểm không hợp lý); kiên quyết giảm tối đa biện pháp/thủ tục hành chính; yêu cầu quản lý, giám sát và ổn định tài chính - tiền tệ trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Song song với đó là tăng cường phối hợp chính sách hiệu quả hơn (nhất là với chính sách tài khóa, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn…); xây dựng và nhất quán thực hiện đề án hướng tới ngân hàng trung ương độc lập và hiện đại hơn; tăng vai trò của bảo hiểm tiền gửi và ổn định tài chính - tiền tệ.

Nhiệm vụ đặt ra đối với  các TCTD

Các TCTD  cần xây dựng và nhất quán thực hiện kế hoạch phát triển (trong đó có cấu phần hội nhập) giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở hoàn thành dứt điểm đề án tái cơ cấu vừa qua, tiếp tục kiểm soát chất lượng, hiệu quả tín dụng; đẩy mạnh triển khai đồng bộ và phối hợp VAMC để xử lý dứt điểm nợ xấu và đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới; nâng cao năng lực tài chính; xây dựng và thực hiện kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược; minh bạch hóa hoạt động và quản trị DN, quản lý rủi ro theo Basel II và thông lệ.

Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số; tăng cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng (đầu tư, tái cơ cấu, quản lý rủi ro, chiến lược kinh doanh, cung cấp thông tin, đào tạo…); tăng cường hợp tác, liên kết; lưu ý khâu tuyển mộ, lưu giữ nhân tài và nâng cao năng lực cán bộ (văn hóa DN, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, theo khung năng lực…)

Cuối cùng, các TCTD cần đa dạng hóa hoạt động, sản phẩm - dịch vụ, bao gồm cả bán chéo sản phẩm (ngân hàng - bảo hiểm) và các dịch vụ ngân hàng hiện đại.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế

Tin bài liên quan