8 năm loay hoay thay tên, đổi họ

8 năm loay hoay thay tên, đổi họ

8 năm loay hoay thay tên, đổi họ

(ĐTCK) Nhiều vướng mắc liên quan đến các thủ tục, chính sách về thuế phí, đặc biệt là các vấn đề về tiền thuê đất, thuế nhập khẩu… đã được các DN nêu ra trong cuộc gặp gỡ của UBND TP. Hà Nội với các DN trên địa bàn sáng 14/11.

Từ tiền thuế đất…

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, thuế đất, đại diện CTCP Cao su Hà Nội, ông Phan Hùng Việt cho biết, là DNNN đã cổ phần hóa từ năm 2005 và được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê đất 5%, nhưng đến thời điểm này, DN vẫn đang loay hoay với các thủ tục hành chính để được hưởng chính sách này.

Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, Công ty đã đổi tên từ Công ty Cao su Hà Nội thành CTCP Cao su Hà Nội. Tuy nhiên, những thủ tục để đổi tên tương tự trên hợp đồng thuê đất lại chưa được cơ quan chức năng cho phép. Điều này đã gây cản trở cho DN trong quá trình làm thủ tục hưởng ưu đãi tiền thuê đất.

“Mặc dù đã rất cố gắng hoàn tất các yêu cầu về thủ tục hành chính, nhưng đến giờ phút này, đã gần hết năm 2013 mà Công ty vẫn chưa làm được. Nếu thực sự phải đóng số tiền này theo hợp đồng cũ sẽ ảnh hưởng lớn nguồn vốn kinh doanh của DN”, ông Việt chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Minh Hằng, Tổng giám đốc CTCP Dệt 10/10 cũng cho rằng, để có thể đưa ra bằng chứng để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế là rất khó. Bởi với một đơn vị đã qua nhiều thế hệ lãnh đạo, việc bảo quản lưu trữ các giấy tờ cho đủ bộ hồ sơ theo yêu cầu là rất khó khăn. 

“Là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Nội thực hiện cổ phần hóa vào năm 2000, nhưng đến nay, Dệt 10/10 chưa được hưởng bất cứ một chính sách ưu đãi thuế nào”, bà Hằng nói.

Trả lời những thắc mắc trên, ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hỗ trợ để DN nhanh chóng hoàn tất chuyển đổi tên trên hợp đồng thuê đất, tạo điều kiện cho DN sớm được hưởng các chính sách ưu đãi.

Đối với CTCP Dệt 10/10, ông Tiến đề nghị DN liên hệ với Sở Tài chính để làm các thủ tục định lại đơn giá tiền thuê đất.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong quá trình xem xét các thủ tục hồ sơ hành chính. Bởi cho dù DN có chuyển đổi sang bất kỳ hình thức sở hữu nào, thì về bản chất, tư cách pháp nhân vẫn là DN đó.

Ở một khía cạnh khác, đại diện Công ty TNHH Mỹ Anh (chuyên kinh doanh xuất khẩu hàng may mặc) lại cho rằng, những DN không thuộc đối tượng được giảm tiền thuê đất và tiền sử dụng đất theo Thông tư số 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phải được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tức là đơn giá thuê đất tối đa không quá 2 lần đơn giá thuê đất phải nộp của năm 2010.

“Hiện tại, công ty chúng tôi đang phải nộp tiền thuê đất cao gấp 7 lần tiền thuê đất của năm 2010. Nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi phải làm sao để tất cả các DN cùng được hưởng, nếu không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi này thì phải được hưởng ưu đãi khác, như thế mới công bằng”, đại diện DN trên nói.

Trả lời về vấn đề này, ông Tiến cho biết, phạm vi đối tượng nằm trong giai đoạn từ 1/1/2011 đến ngày 1/3/2011, Thông tư 16 chưa kiểm soát hết được.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1851 ngày 14/10/2013 về việc bổ sung đối tượng giảm tiền thuê đất trong năm 2013 và năm 2014 đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mà phải điều chỉnh đơn giá thuê đất theo chính sách trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, để bao quát những đối tượng mà phạm vi của Thông tư 16 chưa điều chỉnh hết. Vì vậy, đề nghị các DN liên hệ với chi cục thuế để có hướng dẫn cụ thể.

 

… đến thuế nhập khẩu, thuế TNDN

Tham gia cuộc gặp, bên cạnh nhiều khúc mắc về vấn đề thuế đất, nhiều DN nêu ra khó khăn trong việc thực hiện thuế nhập khẩu, cũng như thuế thu nhập DN.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc CTCP Hanel Plastic, thông thường các DN nhập khẩu hiện đều phải đóng toàn bộ thuế gồm thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho hàng hóa trước khi thông quan. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn kinh doanh của DN, nhất là trong bối cảnh hầu hết các DN đang gặp khó về vốn sản xuất - kinh doanh.

“Các cơ quan hữu quan có thể xem xét linh hoạt hơn về quy định này đối với DN có hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, luôn tuân thủ tốt các nghĩa vụ với Nhà nước”, ông Cường kiến nghị.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hằng cũng cho rằng, vấn đề thuế nhập khẩu hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đối với các DN nhập khẩu, đồng thời kiến nghị, cần kéo dài thêm thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thay vì quy định tối đa trong vòng 275 ngày như hiện nay. Nhất là khi sức cầu thị trường còn yếu, DN đối mặt hàng tồn kho cao, việc phải đóng khoản thuế trước sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cũng như lợi nhuận của DN.

Ngoài ra, theo bà Hằng, cũng cần xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, thay vào đó có thể hỗ trợ DN về thuế GTGT. Như thế sẽ giúp DN có được lợi thế cạnh tranh hơn về giá.

“Ưu đãi thuế thu nhập cho DN là cần thiết, nhưng trong thời điểm này không mang lại nhiều giá trị thực tế. Bởi khi DN thua lỗ hàng loạt thì lấy đâu ra lợi nhuận mà nộp thuế thu nhập”, bà Hằng nói.