1. Văn hóa công ty: Nhà quản trị cần phải hiểu rõ văn hóa của công ty để biết được những quyết định nào có thể được chấp nhận và những quyết định nào bị loại trừ. Liên quan đến việc ra quyết định, văn hóa công ty có thể chia thành 2 xu hướng chính: thích mạo hiểm và không thích mạo hiểm. Một công ty không thích mạo hiểm sẽ khó có thể chấp nhận những ý tưởng mới, mà chỉ tập trung vào việc xử lý các vấn đề phát sinh.
2. Trách nhiệm của nhà quản lý: Nhà quản lý nên tránh việc tham gia quá nhiều vào một quyết định mà mình đã phân cấp. Luôn đưa ra được lý do nếu phản đối một quyết định đã được phân cấp. Một công ty càng có nhiều cấp, nhưng thiếu sự phân cấp trong việc ra các quyết định thì công việc sẽ bị ùn tắc.
3. Phân loại quyết định: Có nhiềuloại quyết định như quyết định có thể thay đổi được và không thay đổi được; quyết định mang tính thử nghiệm, thử nghiệm và sai lầm; quyết định chia thành nhiều giai đoạn; quyết định cẩn thận; quyết định có điều kiện và quyết định trì hoãn. Chẳng hạn, quyết định thử nghiệm và sai lầm cho phép nhà quản lý điều chỉnh kế hoạch một cách liên tục, trước khi có cam kết hoàn toàn và cuối cùng.
4. Đối tượng tham gia vào quyết định: Việc tham gia có thể ít, trung bình hay nhiều. Trong đó, phương pháp tham gia ít liên quan đến những quyết định mang tính mệnh lệnh do giám đốc tự quyết định và thường được đưa ra trong những tình huống khẩn cấp.
5. Sử dụng phân tích SWOT: Đó là phân tích các điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) để xác định vị trí của công ty, nhóm làm việc hay sản phẩm trên thị trường, để từ đó đưa ra những kết luận vững chắc và những quyết định mang tính chiến lược.
6. Giảm thiểu rủi ro: Hầu hết các quyết định đều có một mức độ không chắc chắn nào đó. Nhà quản lý cần sử dụng kinh nghiệm và phán đoán riêng của mình để loại trừ những nghi ngờ ra khỏi tình huống càng nhiều càng tốt. Tác giả cũng khuyên các nhà quản lý đừng bao giờ hy sinh tương lai cho ngắn hạn, trừ khi không còn chọn lựa nào khác. Những người ra quyết định cần phải có tầm nhìn rộng và cân nhắc ảnh hưởng của nhiều kết quả khác nhau. Sau khi đánh giá các rủi ro, hãy cố gắng xây dựng một mạng lưới an toàn để giảm thiểu những rủi ro đó. Những quyết định vội vã sẽ khó có thể thành công.
7. Xử lý phản đối: Heller khuyên các nhà quản lý nên xem sự phản đối như là một phần đóng góp quý giá trong quá trình ra quyết định. Hãy luôn tìm hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau sự phản đối và giải quyết chúng bằng sự thông minh và khéo léo.
8. Xử lý quyết định của người khác: Hầu hết các quyết định được phân cấp và liên quan đến cấp dưới. Người được phân cấp nên làm rõ công việc được phân công cho mình, mức độ ra quyết định và trách nhiệm liên quan đến những công việc ấy. Đừng nhượng bộ quá dễ dàng việc can thiệp của cấp trên đối với một công việc đã được phân cấp, mà hãy thuyết phục để họ ủng hộ cho dự án của mình.