Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22/11.
Theo ông Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của kinh tế xã hội.
Với mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác lợi thế về tài nguyên, gia công lắp ráp và phát triển sản xuất, xuất khẩu những ngành thâm dụng lao động và có kỹ năng thấp thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ ngày càng kém đi bởi những lợi thế này đang mất dần đi.
“Do đó, mỗi ngành, lĩnh vực và toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc cách mạng này”, ông Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương, điều đáng lo ngại là dù nhiều khó khăn và thách thức từ bối cảnh mới đang ngày càng gia tăng, song nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nay còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp hiện mới đang bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp mặc dù đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng đảm bảo đáp ứng cho sự sẵn sàng của cách mạng công nghiệp 4.0 này. Cùng với đó là những thách thức từ những yếu kém nội tại của các doanh nghiệp trong ngành công thương.
Để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về bản chất, xu thế vận động, những cơ hội, thách thức, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Mặt khác, tăng cường hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, rà soát mục tiêu tái cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội.
Theo ông Lê Huy Khôi cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường pháp triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, cần đưa ra các giải pháp tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ra đời của tư liệu sản xuất và sự thay đổi về phương thức sản xuất mới dưới tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cho biết, tái cơ cấu nền kinh tế giải đoạn 2016-2020 tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. |