BaF Việt Nam đang phân phối các loại thịt heo qua hệ thống siêu thị của công ty liên kết là Siba Food (Nguồn: Siba Food).
BaF Việt Nam (BaF) tự giới thiệu họ là "một trong các công ty dẫn đầu về di truyền giống và chăn nuôi heo tại Việt Nam".
Theo Bản cáo bạch, hiện công ty này có 14 trại nuôi heo thịt và heo giống như trại 1.200 nái cụ kỵ tại Bình Phước, trại 2.400 nái tại Bà Rịa- Vũng Tàu, trại 2.400 nái tại Bình Thuận,… và đang tiếp tục phát triển số lượng trang trại ra toàn quốc, mở rộng quy mô ra nước ngoài như tại Myanmar,..
BaF định hướng phát triển thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến thực phẩm khi kiểm soát chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp – thực phẩm thông qua việc vận hành mô hình chuỗi khép kín từ nguyên liệu thô, nhà mày cung cấp cám, trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ và chế biến thức ăn.
Doanh thu lợi nhuận và chi phí mảng chăn nuôi của BaF Việt Nam (Đvt: triệu đồng). |
BaF Việt Nam được thành lập từ năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng qua 3 cổ đông sáng lập và được nâng lên 100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm đầu tiên ra đời.
1 năm sau đó, doanh nghiệp này có 10 trang trại nuôi heo thịt và heo giống trên cả nước đồng thời có bước chân đầu tiên vào thị trường thịt heo, heo giống khu vực Đông Nam Á thông qua việc góp vốn đầu tư vào Công ty liên doanh BaF Myanmar.
Cuối năm 2020, vốn điều lệ của BaF Việt Nam được tăng lên gấp 5 lần (tương đương 500 tỷ đồng) thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Và tròn 3 tháng trước (ngày 31/8/2021), BaF hoàn tất IPO với mức giá 20.000 đồng/cp nâng tổng vốn điều lệ lên 780 tỷ đồng.
Tính đến 13/9/2021, có 2 cổ đông nắm trên 5% vốn BaF Việt Nam là bà Bùi Hương Giang với 13,26% và ông Phan Ngọc Ấn nắm 6,35%.
Thực tế, những năm đầu hoạt động, BaF Việt Nam vướng phải hàng loạt khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi khi áp dụng mô hình trang trại truyền thống, sử dụng con giống được mua từ thương lái và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Vì thế, con giống thường yếu, tỷ lệ chết theo đàn cao kéo theo doanh thu trong 3 năm đầu cao nhưng tỷ lệ lãi không đạt kỳ vọng.
Sau đó, ban lãnh đạo BaF Việt Nam phải thay đổi định hướng và tập trung vào hoạt động chăn nuôi heo, chế biến thực phẩm.
Bởi hoạt động kinh doanh nông sản (nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi) luôn đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu hàng năm của BaF Việt Nam nhưng biên lợi nhuận thấp (từ 1-2%).
Vì vậy, doanh nghiệp này đã giảm nguồn lực vào hoạt động kinh doanh nông sản để tập trung vào hoạt động chăn nuôi.
Tổng sản lượng heo bán ra thị trường của BaF Việt Nam qua các thời điểm (Đvt: con). |
Cuối năm 2019, BaF Việt Nam nhập 1.200 con heo giống cụ kỵ từ Cananda của Tập đoàn Genesus và đưa ra chăn nuôi tại trang trại ở tỉnh Bình Phước.
Đây là bước đi khởi đầu của doanh nghiệp trong kế hoạch xây dựng đàn giống 45.000 con heo nái và 1 triệu con heo thịt thương phẩm đến năm 2023.
Bởi theo đuổi chuỗi 3F, BaF Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư 300 tỷ đồng cho hệ thống giết mổ với công nghệ từ châu Âu. Theo đó, giai đoạn 1, công suất của dự án có thể đạt 2.000 con/ngày và nâng lên gấp đôi khi hoàn thành giai đoạn 2.
Tính đến nay, doanh nghiệp này có 11 công ty con sở hữu từ 98% đến 100% vốn, 1 công liên kết nắm 49% vốn là Công ty cổ phần Siba Food Việt Nam và 1 công ty liên doanh nắm 21,47% vốn là Myanmar BAF.
Ban lãnh đạo công ty này đánh giá, rào cản gia nhập ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thấp khiến danh sách các đối thủ cạnh tranh với BaF Việt Nam ngày càng nối dài, đặc biệt là các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia như C.P. Việt Nam, GreenFeed Việt Nam hay Dabaco, Masan MEATLife,…
BaF Việt Nam trích số liệu của Cục chăn nuôi cho thấy cả nước có khoảng 218 doanh nghiệp (71 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có khả năng sản xuất khoảng 28.200 tấn/năm.
Công suất sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 30-35% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang không ngừng đầu tư với tham vọng chiếm lĩnh thị trường như Tập đoàn Mavin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như Masan, Hùng Vương, C.P. cũng đang muốn giành lại thị phần bằng việc đầu tư lớn vào ngành này.
Song, rủi ro cạnh tranh của ngành là không hề nhỏ khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nắm ưu thế quá lớn do gia nhập thị trường từ hơn 1 thập kỷ trước.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngoại trong ngành này còn có lợi thế về vốn, công nghệ và chiến lược chiếm lĩnh thị trường bài bản.
Còn về mảng chăn nuôi heo, giá thành chăn nuôi tại thị trường nội địa chưa cạnh tranh bởi hàng loạt yếu tố tác động đến năng suất.
Đó là nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, năng suất nguồn giống chưa cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu.
Hiện, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dạng thịt nóng và chỉ đang dần chuyển dịch sang các loại đông lạnh.
Do vậy, các rủi ro liên quan đến thị yếu và năng lực cạnh tranh đến từ hoạt động sản xuất và sử dụng trang trại được cho là yếu tố chính của doanh nghiệp nội địa khi đem so sánh về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần hơn 9.000 tỷ đồng và lãi ròng 245,1 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh nông sản đóng góp hơn 94% tổng doanh thu thuần song chỉ mang về 45% lợi nhuận gộp. Trong khi đó, hoạt động chăn nuôi chỉ đóng góp 5,4% doanh thu nhưng mang về hơn 54% lãi gộp.