Một nửa trong số doanh nghiệp được khảo sát xác nhận nhu cầu của người tiêu dùng là chất xúc tác chính thúc đẩy việc triển khai các giải pháp bền vững mới trong lĩnh vực sản xuất và chế biến. Quan điểm này được tìm thấy trong một nghiên cứu riêng của Tetra Pak đối với người tiêu dùng liên quan đến bao bì đóng gói thực phẩm.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng ý định mua hàng của gần ba trong số bốn người được hỏi (74%) sẽ tăng nếu một thương hiệu nói về các chủ đề môi trường, trong khi 42% tin rằng một “bao bì thân thiện với môi trường” xứng đáng có một mức giá cao hơn. Điều này đem đến cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống một lập luận đầy tin cậy để áp dụng cho mô hình kinh doanh giảm thiểu tác động môi trường.
77% doanh nghiệp bày tỏ sự sẵn sàng chấp nhận các đánh đổi liên quan đến chi phí khi thực hiện các giải pháp sản xuất và chế biến bền vững, bất chấp những thách thức về kinh tế vĩ mô mà ngành đang phải đối mặt. Sự tập trung của doanh nghiệp vào tác động môi trường dường như đang ở thời điểm bùng phát, với sự cấp thiết phải áp dụng các biện pháp cắt giảm carbon trong hệ thống thực phẩm của thế giới được dự đoán sẽ tăng 10% trong 5 năm tới, từ 49% lên 59%. Khi được hỏi các nhà cung cấp bao bì và chế biến có thể đóng góp như thế nào, 65% công ty đã xác định tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm mới, khẳng định vai trò quan trọng của sự đổi mới trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.
Ông Gilles Tisserand, Phó chủ tịch về Khí hậu và đa dạng sinh học, Tetra Pak, chia sẻ, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang ở thời điểm quan trọng, phải xem xét lại cách thức kinh doanh của ngành để giúp giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu và đối phó với những tác động không thể tránh khỏi tới cách vận hành và các giải pháp của doanh nghiệp...