Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên Tòa ngày 18/12

Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên Tòa ngày 18/12

718 tỷ đồng của ACB bị Huyền Như chiếm đoạt có lãi chênh khủng

(ĐTCK) Chủ toạ tuyên bố sẽ triệu tập Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái của Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ ngân hàng ACB)  đến phiên xử để làm rõ, tránh để lọt tội phạm và xử oan người vô tội. Đáng chú ý, mức lãi chênh mà Huyền Như trả ngoài hợp đồng lên tới 5-5,5%/năm.

Trong phần thẩm vấn ngày hôm nay (18/12) đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), đại diện ACB và đại diện 19 nhân viên ACB gửi tiền tại VietinBank giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu VietinBank trả 718 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh.

Tại phiên tòa, Huyền Như khai rằng, trong 19 nhân viên ACB ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Vietinbank thì có 17 nhân viên gửi tại Chi nhánh TP. HCM (tổng giá trị 668 tỷ đồng) và 2 nhân viên gửi tại chi nhánh Nhà Bè (50 tỷ đồng).

Đối với 17 nhân viên gửi tại chi nhánh TP. HCM, bị cáo Như cho biết thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, bị cáo huy động của ACB hơn 668 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài 5-5,5%%/năm, đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này gửi tiền vào VietinBank chi nhánh TP. HCM.

Để ACB tin tưởng chuyển tiền, Huyền Như đã đề xuất Ban lãnh đạo VietinBank chi nhánh TP. HCM ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB. Bị cáo trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 10 tỷ đồng cho ACB bằng tiền mặt. Đồng thời, bị cáo yêu cầu họ ký giấy nộp luôn số tiền này vào tài khoản tiền gửi của họ mở tại VietinBank đến khi đến hạn tất toán thì nhận lại.

Bị cáo Huyền Như khai tại Toà, theo thoả thuận, lãi suất chênh lệch 5-5,5%/năm trong đó 3-3,5%/năm gửi trực tiếp vào tài khoản các cá nhân gửi tiền, phần còn lại (khoảng 10 tỷ đồng) sẽ chuyển tới tài khoản theo yêu cầu của chị Ngọc.

Đối chất tại Toà, Huỳnh Thị Bảo Ngọc cho biết, chỉ thoả thuận trên hợp đồng là 14% còn chênh lệch lãi suất chuyển trực tiếp tới nhân viên, bản thân không nhận gì. Huỳnh Thị Bảo Ngọc Khẳng định không có chuyện Như chuyển tiền cho Ngọc.

Chủ toạ hỏi tiếp, bị cáo Như đã khai: “theo lời chị Ngọc thì Như chuyển tiền vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên”, vậy Chiêu Uyên là ai? Huỳnh Thị Bảo Ngọc trả lời: ”Là chị gái bị cáo, nhưng thoả thuận giữa Huyền Như và Chiêu Uyên, tôi không biết”.

Không phát sinh quan hệ giao dịch nhưng lại được chuyển tiền vào tài khoản, từ sự mâu thuẫn này, chủ toạ tuyên bố tòa sẽ triệu tập Huỳnh Thị Chiêu Uyên đến phiên xử để làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.

Đối với 2 hợp đồng tiền gửi  tại chi nhánh Vietinbank Nhà Bè, Huyền Như khai rằng, thông qua bà Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó phòng kế toán ACB, Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, PGĐ chi nhánh và đóng dấu giả để huy động 50 tỷ đồng của ACB thông qua hai người gửi. 
"Tổng cộng số tiền tôi đã chiếm đoạt của ACB do 19 nhân viên đứng tên gửi tiền vào Vietinbank là hơn 718 tỷ đồng", bị cáo Huyền Như nói.

Cũng với những câu hỏi đã hỏi đại diện Navibank, chủ toạ hỏi đại diện ACB, vì sao ACB không trực tiếp gửi thẳng tiền vào Vietinbank lại thông qua hợp đồng uỷ thác cho 19 nhân viên của mình?

Đại diện ngân hàng này cho biết, làm vậy là để đảm bảo tính thanh khoản và bảo toàn nguồn vốn, bởi trên thực tế đã có trường hợp ACB gửi tiền nhưng không nhận được thanh toán đúng hạn. Theo đại diện ACB, tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho cá nhân, không dành cho pháp nhân và lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn tiền gửi thanh toán.

Chủ toạ cũng đặt thêm câu hỏi, nếu nhân viên ACB chiếm đoạt số tiền được ủy thác đi gửi thì ACB kiện ai? Vì mối quan hệ ở đây là giữa ACB với Nhân viên; quan hệ giữa nhân viên và VietinBank thông qua Huyền Như.  

“Khi đi thì bắc cầu, khi về thì lại đi thẳng”, vị chủ toạ nói.

Tin bài liên quan