Tính cá nhân hoá chính là chìa khoá quan trọng đối với ngân hàng nếu như không muốn bị loại khỏi "cuộc chơi"

Tính cá nhân hoá chính là chìa khoá quan trọng đối với ngân hàng nếu như không muốn bị loại khỏi "cuộc chơi"

70% người trưởng thành Việt Nam dùng dịch vụ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một nghiên cứu thực hiện trên 2.000 khách hàng toàn cầu của Mambu - nền tảng cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính cho biết, các cá nhân sử dụng và chưa sử dụng ngân hàng đều cảm thấy họ không được phục vụ đúng như kỳ vọng, với 56% khách hàng sử dụng ngân hàng tin rằng còn nhiều loại dịch vụ khác mà đáng lẽ ra họ nên được tiếp cận.

Ông Elliot Limb, Tổng Giám đốc Thương mại của Mambu chia sẻ, với hơn 1,7 tỷ người trưởng thành chưa sử dụng ngân hàng trên thế giới, các dữ liệu thường hướng đến những lý do như thị trường mới nổi và rào cản địa lý. Tuy nhiên, không nên bỏ qua khoảng cách trong khả năng tiếp cận dịch vụ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

“Tính cá nhân hoá chính là chìa khoá quan trọng đối với ngân hàng nếu như không muốn bị loại khỏi cuộc chơi bởi những đối thủ mới, vì chính họ là những đơn vị có khả năng cung cấp nhiều giải pháp toàn diện, và cho phép khách hàng quyền tiếp cận nhiều hơn tới các tính năng. Tận dụng các công nghệ sẵn có để nắm rõ thói quen của người tiêu dùng, từ đó dự đoán những nhu cầu của họ để đưa ra những đề xuất và dịch vụ siêu cá nhân hoá là việc ngân hàng cần làm”, ông Elliot Limb nhận định.

Khoảng cách trên con đường hướng tới tài chính toàn diện

Theo nghiên cứu: "Trạng thái tiếp cận tài chính ở nhiều thị trường trên thế giới trái ngược hoàn toàn với những gì mà chúng ta đang nhìn thấy về những lợi ích tài chính, mà sự phát triển của công nghệ mang lại".

Có 26% số người chưa sử dụng ngân hàng được khảo sát tin rằng, các tổ chức tài chính có thể giúp họ có được một tài khoản ngân hàng và cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính mang tính cá nhân hoá hơn.

Sự khác nhau giữa người sử dụng và chưa sử dụng ngân hàng khá rõ ràng, nhưng vẫn có một khoảng cách tiếp cận tài chính giữa hai nhóm. Theo khảo sát của Mambu, có đến 81% người sử dụng ngân hàng cho rằng tình hình sẽ được cải thiện nếu như họ hiểu biết nhiều hơn về các dịch vụ tài chính, và 58% người không sử dụng ngân hàng cũng có cùng câu trả lời.

Điều này càng rõ hơn khi khủng hoảng COVID-19 xảy ra, 77% số người được hỏi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết, và khả năng tiếp nhận nhiều loại hình dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính đang không thực hiện các bước cần thiết để phổ cập những dịch vụ này trên diện rộng.

Có 65% số người chưa sử dụng ngân hàng không hài lòng với tình hình tài chính hiện nay của họ. Còn trong số những người sử dụng ngân hàng, 25% người được hỏi không hài lòng với mức độ hiểu biết về tài chính cá nhân và các lựa chọn họ đang được tiếp cận.

Bên cạnh đó, gần một nửa số người (48%) thuộc nhóm có khung lương trung bình trở lên (từ 63.000 USD/năm) cho biết họ không biết cách mở một tài khoản ngân hàng, và có đến 56% nói rằng các tổ chức tài chính nên là đơn vị chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn, tư vấn về tài chính cá nhân.

Phổ cập ngân hàng toàn diện

Khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, cả người sử dụng ngân hàng (57%) và chưa sử dụng ngân hàng (36%) đều đang dựa vào internet để tìm kiếm thông tin tài chính, và tìm hiểu về quyền lợi ứng với từng sản phẩm tài chính, thay vì thông qua ngân hàng.

28% người được khảo sát nghĩ rằng các ngân hàng nên giải thích cách mở tài khoản một cách dễ hiểu hơn.

26% người chưa sử dụng ngân hàng tin rằng các tổ chức tài chính có thể giúp họ mở một tài khoản ngân hàng, bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính mang tính cá nhân hoá hơn.

Khảo sát của Mambu còn chỉ ra, 40% người tiêu dùng chưa sử dụng ngân hàng cho biết, có thể sẽ sử dụng ngân hàng nếu như có nhiều dịch vụ chuyên biệt trên điện thoại hoặc website hơn.

Các ứng dụng ngân hàng di động đã thể hiện vai trò lớn đối với tài chính toàn diện.

Các ứng dụng ngân hàng di động đã thể hiện vai trò lớn đối với tài chính toàn diện.

Nhu cầu tại Việt Nam

Báo cáo của Mambu cho biết, nhu cầu tăng nhận thức và hiểu biết về các dịch vụ tài chính của khách hàng đang gia tăng trên toàn cầu, và Việt Nam - nền kinh tế mới nổi, cũng không là ngoại lệ.

Theo thống kê của NHNN năm 2020, 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng gần một nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng.

Còn theo Agribank, hơn 70% dân số tập trung ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại của khu vực này là rất hạn chế. Đây chính là khoảng cách lớn còn bỏ ngỏ mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần quan tâm để hướng dẫn và giới thiệu đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ của mình đến một lượng lớn khách hàng tiềm năng.

Ở một khía cạnh khác, những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ số, và quá trình chuyển đổi số ở các ngân hàng, các ứng dụng ngân hàng di động đã thể hiện vai trò lớn đối với tài chính toàn diện. Các ngân hàng đã có thể tiếp cận khách hàng ở những nơi mà không có trụ sở hay chi nhánh ngân hàng.

Thực tế cho thấy giao dịch không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã tăng 75,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Mua sắm trực tuyến tăng trưởng theo cấp số nhân, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến trong quý II/2020.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu cuối năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Đồng thời, triển khai thí điểm chương trình Mobile Money trong 2 năm kể từ năm nay, để kích thích nền kinh tế không dùng tiền mặt, và nâng cao khả năng tài chính cho hàng triệu người.

Đây là những nhân tố khuyến khích người dân có điều kiện tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ tài chính; thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tín dụng chuyển đổi số, “đi tắt đón đầu”, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Số liệu từ NHNN Việt Nam cũng cho thấy 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã thực hiện hoặc có kế hoạch chuyển đổi số.

Báo cáo cũng chỉ ra, mảnh đất ngân hàng số màu mỡ ở Việt Nam đang là cuộc chơi thu hút sự tham gia của không chỉ các ngân hàng, mà còn có các Fintech và công ty viễn thông. Thay vì cạnh tranh, sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các công ty công nghệ với các tổ chức tín dụng đang được gia tăng để tận dụng thế mạnh của mỗi bên.

Những giải pháp công nghệ mới đang thay đổi toàn cảnh dịch vụ tài chính ở Việt Nam bao gồm các hình thức thanh toán trực tuyến mới, như ví điện tử, mã QR; các sản phẩm ngân hàng số kết hợp AI, phân tích dữ liệu và công nghệ điện toán đám mây, nhằm cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, tất cả đều thông qua điện thoại thông minh.

Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam: “Giải pháp công nghệ số trên nền điện toán đám mây (cloud-native) với giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các ngân hàng có thể “soạn” ra bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào mong muốn, bằng cách “lắp ghép” các giải pháp tối ưu độc lập với nhau. Cách tiếp cận kiểu “Phối hợp” (Composable banking) sẽ giúp các ngân hàng số hóa một cách nhanh chóng, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung vào trải nghiệm khách hàng, đáp ứng được nhu cầu thay đổi thường xuyên của khách hàng trong thời đại 4.0“.

Đây là nghiên cứu thứ hai trong loạt nghiên cứu “Disruption Diaries” của Mambu với 2.000 khách hàng toàn cầu. Loạt nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu nhận thức của khách hàng về những xu hướng chính đang diễn ra, và tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, trong nỗ lực xác định cơ hội cho ngân hàng và các ngành khác.

Tin bài liên quan