Tiếp tục tái cấu trúc ngân hàng
Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD); giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ; lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của nhiều TCTD khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống; quy mô thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán, tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và hệ thống tài chính chưa đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng. Đáng chú ý, nợ xấu vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với tính an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Sau khi kéo giảm về dưới 3% vào cuối năm 2015, nợ xấu của một số ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại trong năm 2016.
Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đưa ra hướng chính sách đến năm 2020 phát triển Ngân hàng Nhà nước trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại, có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt chức năng ổn định giá, ổn định tài chính và các chức năng khác.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. TS. Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, vấn đề nợ xấu của Việt Nam đã thành công được nửa chặng đường khi VAMC “gom” và làm “sạch” bảng cân đối kế toán cho các ngân hàng thương mại, nhưng không dễ xử lý được nợ xấu. Cần tìm hướng ra hiệu quả cho các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua.
Nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng, dự thảo Đề án đưa ra nhiều giải pháp như: xây dựng khuôn khổ pháp luật về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của TCTD; tiếp tục sử dụng cấp phép cho các TCTD như là công cụ hữu hiệu trong cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các TCTD; nới quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD.
Đồng thời, Dự thảo cũng đưa ra thời hạn hoàn thiện các văn bản luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, cổ phần hóa Agribank.
Một nội dung đáng chú ý khác được Đề án nêu ra trong nhóm giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng là áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD. Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp này cần thiết phải tính đến, nhằm tạo sự cạnh tranh, đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.
Nguồn: Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng theo sự phân công của Chính phủ.
Hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế
Theo Dự thảo Đề án, việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này. Trong khi đó, tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng chậm; hoạt động cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch.
Thực tế, trong quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng những năm gần đây chưa có nhà băng nào thu hút được vốn ngoại, dù Chính phủ đã cho phép bán 100% vốn của ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao tiềm lực vốn, đẩy mạnh tái cấu trúc. Trường hợp của GPBank là một ví dụ, ngân hàng này không thành công trong thương vụ bán cho UOB (Singapore) và Hong Leong Bank (Malaysia).
Để hiện thực hóa mục tiêu lành mạnh hệ thống ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế cho các ngân hàng thương mại.
Thực tế, yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ngành ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước hướng đến trong những năm gần đây. Không chỉ có 10 ngân hàng thương mại cổ phần (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank, VIB) thí điểm áp dụng Basel II từ tháng 2/2016 mà tới đây, các ngân hàng đều phải áp dụng mới có thể cạnh tranh được trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và trên thị trường tài chính nội ngày càng có nhiều ngân hàng 100% vốn ngoại tham gia.
Định hướng chính sách đến năm 2020 tại dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các TCTD, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính; tiếp tục giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm; đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020.
Basel II sẽ giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời cũng có khả năng ra quyết định kinh doanh trên cơ sở có đầy đủ thông tin về rủi ro và mối liên hệ giữa các rủi ro. Về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông.
Để cụ thể hóa định hướng lớn này, dự thảo Đề án đưa ra nhóm giải pháp như: tăng cường năng lực tài chính của các TCTD, bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của TCTD và vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiên quyết xử lý các TCTD, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn…
Theo lộ trình áp dụng Basel II của Ngân hàng Nhà nước, sau 3 năm thực hiện thí điểm, đến cuối năm 2018, 10 ngân hàng thương mại trên phải đáp ứng tuân thủ các chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp nâng cao, sau đó sẽ triển khai áp dụng cho các ngân hàng còn lại.
Trong khu vực, không ít quốc gia đang đẩy mạnh công cuộc cải cách tài chính như Thái Lan, Singapore đang tiếp cận một phần Basel III…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lộ trình đến năm 2018 để 10 ngân hàng Việt Nam áp dụng Basel II là phù hợp. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cần đẩy nhanh tiến trình cải cách hơn nữa, có thể theo cách riêng hay chung.
Mặc dù nhận thức được tiêu chuẩn tại Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, nhưng lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, yêu cầu của Basel II khá cao nên việc áp dụng cần có thời gian.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, việc áp dụng thí điểm Basel II sẽ tạo áp lực tăng vốn và làm tăng chi phí hoạt động cho các ngân hàng trong năm nay. Trong đó, các ngân hàng có sở hữu chi phối của Nhà nước chịu nhiều áp lực hơn, bởi hệ số an toàn vốn (CAR) trung bình của nhóm này thấp hơn so với nhóm ngân hàng tư nhân. Về cơ bản, một số ngân hàng đã đáp ứng được hệ số an toàn vốn theo quy định của Basel II, nhưng còn rất nhiều quy định khác cần phải nỗ lực để đáp ứng.