7 nhân tố tác động tới chứng khoán thế giới năm 2017

7 nhân tố tác động tới chứng khoán thế giới năm 2017

(ĐTCK) Giới phân tích dự báo, thị trường chứng khoán thế giới năm 2017 có thể phải đối mặt với nhiều nhân tố tiềm ẩn tác động tới đà khởi sắc đạt được trong tháng cuối năm 2016.

Quincy Krosby, nhà chiến lược thị trường tại Prudential Financial nhận định: “Rõ ràng, thị trường chứng khoán toàn cầu đã bất ngờ vượt qua được tất cả những hiệu ứng tiêu cực sau chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và giờ là lúc để tập trung vào những triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, những rủi ro trong năm 2017 là không thể bỏ qua và chúng có thể khiến giới đầu tư phải cân nhắc lại các quyết định của mình”.

Dưới đây là 7 nhân tố, theo ông Krosby, có thể ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu: 

1. Sự thất vọng đối với ông Donald Trump

Bài thử thách đầu tiên đối với vị Tổng thống mới đắc cử của Mỹ sẽ diễn ra trong tháng 1/2017, khi ông Trump chính thức nhậm chức. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ dõi theo động thái của chính phủ Mỹ, đặc biệt trong những cam kết cắt giảm thuế, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách bộ máy hành chính của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tuy nhiên, sự thất vọng có thể đến khi những chi tiết của các chính sách này được công bố và không đáp ứng được sự kỳ vọng của các thị trường và doanh nghiệp.

Dù sao đi nữa, Đảng Cộng hòa cũng đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, làm gia tăng cơ hội những đề xuất của ông Trump sẽ sớm được thông qua. 

2. Chứng khoán Mỹ mất “nhiệt”

Lance Robert, chuyên gia phân tích đầu tư tại Clarity Financial cho rằng, niềm tin thị trường thường là yếu tố không kéo dài và vì thế nó cũng sẽ khiến chứng khoán giảm “nhiệt” khi giới đầu tư trở nên e ngại hay mất niềm tin.

Không thể phủ nhận, mục tiêu của Donald Trump là hồi sinh nền kinh tế Mỹ, song cách tiếp cận thông qua mạng xã hội như Twitter của ông hiện nay dường như tạo ra một trở ngại vô hình đối với niềm tin giới đầu tư trong cách thức quản trị của Chính phủ.

Kể từ cuộc bầu cử, ông Trump đã sử dụng Twitter để tấn công nhiều công ty như Lockheed Martin hay đưa ra các phát ngôn cứng rắn với Trung Quốc, khi thẳng thắn cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ. 

3. Lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm

Thời điểm các công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý IV/2016 vào giữa tháng 1 năm sau, các báo cáo lợi nhuận này sẽ là cơ sở quan trọng để thị trường chứng khoán vận động.

Nhà quản lý quỹ tại Neuberger Berman Genesis Fund, Brett Reiner cho rằng, thị trường có thể chứng kiến một số kết quả kinh doanh không mấy tích cực so với triển vọng hiện nay, đặc biệt trong nhóm các cổ phiếu trung bình và nhỏ.

Trước đó, theo S&P Global Market Intelligence, lợi nhuận trung bình trên cổ phiếu của doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã giảm trong 4 quý liên tiếp tính tới quý III/2016 và dự kiến chỉ phục hồi phần nào trong quý IV này. 

4. Lợi suất trái phiếu tăng cao

Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tại một số khu vực trên thế giới có thể dẫn tới lạm phát và lợi suất trái phiếu tăng cao hơn. Điều này không hề có lợi cho giá trị cổ phiếu. Một nhân tố chính khác đằng sau mức tăng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây là sự hấp dẫn của cổ phiếu khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, một khi lợi suất trái phiếu tăng từ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cổ phiếu có thể trở nên kém hấp dẫn hơn. 

5. USD tăng giá

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chỉ số USD đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, làm gia tăng lo ngại đối với các công ty Mỹ bán sản phẩm ở nước ngoài. Đồng “bạc xanh” mạnh hơn cũng sẽ khiến nhiều thị trường đang phát triển gặp khó khăn khi phải trả các khoản nợ được định giá bằng USD. 

6. Giá dầu mỏ tụt dốc

Cổ phiếu sẽ chịu áp lực khi giá “vàng đen” tụt dốc. Mặc dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số đối thủ ngoài OPEC đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng nhằm kiềm chế tình trạng dư cung, song vẫn có nhiều nghi ngờ đặt ra về liệu chính sách mới của OPEC có bền vững trong dài hạn hay không, đặc biệt là khả năng tuân thủ triệt để trần sản lượng của các nước thành viên OPEC. 

7. Các căng thẳng địa - chính trị

Những lo ngại địa - chính trị trên toàn cầu cũng có thể tác động tới giá cổ phiếu năm 2017. Nguy cơ nổ ra các cuộc chiến thương mại vẫn hiện hữu, trong khi chủ nghĩa dân túy có thể ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử tại châu Âu năm tới, đặc biệt là tại Đức và Pháp.

Tin bài liên quan