TCTD cần duy trì mức đủ vốn trên mức tối thiểu theo quy định của pháp luật

TCTD cần duy trì mức đủ vốn trên mức tối thiểu theo quy định của pháp luật

7 nguyên tắc trong thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro

(ĐTCK) Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro là một chu trình khép kín bao gồm cả hoạt động thanh tra, giám sát và được chia thành 6 bước: (i) Tìm hiểu tổ chức tín dụng (TCTD); (ii) Lập kế hoạch thanh tra đối với từng TCTD; (iii) Tiến hành thanh tra tại chỗ; (iv) Thu thập, lưu hồ sơ thanh tra; (v) Báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra; (vi) Theo dõi việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra và giám sát liên tục đối với TCTD.

Mục tiêu xuyên suốt trong quy trình thanh tra, giám sát 6 bước này là xem xét và đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản lý rủi ro, tình hình tài chính của TCTD. Việc xem xét, đánh giá rủi ro tiềm ẩn, chất lượng và hiệu quả của hệ thống quản trị, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro của các TCTD bao gồm việc nhận diện, đo lường, giám sát, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, xử lý rủi ro thông qua xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý rủi ro, khả năng chịu đựng rủi ro của các TCTD.

Đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD là hoạt động, nhiệm vụ cơ bản của công tác thanh tra, giám sát trên thế giới. Để đánh giá rủi ro hiệu quả và chính xác, hoạt động ngân hàng được chia nhỏ thành các hoạt động trọng yếu (SA), theo đó xem xét các rủi ro cố hữu, chất lượng quản lý rủi ro của từng hoạt động trọng yếu này trong mối tương quan với vốn, thu nhập và khả năng thanh khoản của TCTD. Để đảm bảo bao quát việc đánh giá các nội dung trên, hoạt động thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro sẽ được thực hiện theo 07 nguyên tắc chính sau đây:

Các nguyên tắc trên được hệ thống hóa thành các bước thực hiện trong biểu đồ dưới đây. 

Nguyên tắc 1: Tập trung vào rủi ro trọng yếu    

Công tác thanh tra, giám sát thực hiện đánh giá rủi ro tập trung vào việc nhận diện các rủi ro trọng yếu có thể xảy đến với một TCTD, có khả năng gây tổn thất cho người gửi tiền. Thanh tra, giám sát được thực hiện trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về TCTD.

Các rủi ro trọng yếu trong hoạt động ngân hàng được xác định gồm 5 loại rủi ro chính: rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro hoạt động; rủi ro tuân thủ pháp luật và rủi ro thanh khoản. Rủi ro danh tiếng và rủi ro chiến lược không được coi là một loại rủi ro cố hữu riêng lẻ. Hai loại rủi ro này là hệ quả của năm loại rủi ro cố hữu nói trên.

Khi đánh giá từng loại rủi ro, rủi ro được chia làm hai loại: rủi ro cố hữu và rủi ro ròng (rủi ro cố hữu đã được giảm thiểu bằng chất lượng quản lý rủi ro). Rủi ro cố hữu là rủi ro nội tại trong một hoạt động trọng yếu và được đánh giá bất kể quy mô của hoạt động so với quy mô của TCTD và phải đánh giá trước khi xem xét đến chất lượng quản trị rủi ro của TCTD đó. Rủi ro cố hữu được đánh giá bằng xác suất và quy mô tác động tiêu cực có thể gây ra cho vốn và thu nhập của TCTD.

Việc đánh giá các loại rủi ro cố hữu chính được thực hiện với từng hoạt động trọng yếu của TCTD. Việc đánh giá rủi ro cố hữu đối với các hoạt động trọng yếu cần được thực hiện trong mối tương quan với tác động giảm thiểu rủi ro của chất lượng quản lý và kiểm soát rủi ro của mỗi TCTD, từ đó đưa ra kết quả đánh giá rủi ro ròng của mỗi hoạt động trọng yếu.

Nguyên tắc 2: Hướng tới tương lai, can thiệp sớm

Bản chất đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD là mang tính hướng tới tương lai. Quan điểm này thúc đẩy việc nhận dạng sớm các vấn đề và can thiệp kịp thời khi cần đưa ra các hành động chỉnh sửa, do đó các vấn đề của TCTD có thể được giải quyết hiệu quả và thỏa đáng hơn.

Nguyên tắc 3: Nhận xét dự báo hợp lý, có cơ sở

Đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD cần dựa vào những phán đoán, nhận xét dự báo hợp lý, có cơ sở. Nguyên tắc này rất cần thiết trong hoạt động cảnh báo sớm, khi mà tình hình tương lai của thế giới vốn dĩ rất dễ thay đổi. Khi thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, những phán đoán, nhận xét cần phải có căn cứ, cơ sở hợp lý, dựa trên bằng chứng và kết quả phân tích.

Nguyên tắc 4: Hiểu rõ nguồn gốc rủi ro

Đánh giá rủi ro đòi hỏi phải hiểu rõ nguồn gốc của rủi ro trọng yếu có thể xảy ra đối với một TCTD. Hiểu rõ về mô hình kinh doanh của TCTD (về sản phẩm, thiết kế của sản phẩm, các hoạt động, chiến lược và khẩu vị rủi ro), cũng như môi trường kinh doanh bên ngoài của TCTD sẽ giúp cán bộ thanh tra, giám sát nắm bắt được nguồn gốc của rủi ro trọng yếu. Để nắm rõ nguồn gốc rủi ro, xu hướng rủi ro, công tác thanh tra, giám sát thực hiện đánh giá rủi ro đối với từng hoạt động trọng yếu, các rủi ro cố hữu và chất lượng quản lý rủi ro gắn liền với các hoạt động này.

Các hoạt động trọng yếu có thể được lựa chọn trên cơ sở định lượng (như tỷ lệ phần trăm của hoạt động so với tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận ròng, vốn phân bổ hay khả năng xảy ra tổn thất lớn của TCTD) và/hoặc lý do định tính (như tầm quan trọng chiến lược, tỷ lệ tăng trưởng dự kiến, rủi ro, tác động lên giá trị thương hiệu hay danh tiếng/uy tín, hoặc mức độ rủi ro của một quy trình có quy mô toàn doanh nghiệp).

Nguyên tắc 5: Phân biệt rủi ro cố hữu và quản lý rủi ro

Đánh giá rủi ro đòi hỏi phải phân biệt giữa các rủi ro cố hữu gắn với các hoạt động do TCTD thực hiện và công tác quản lý những rủi ro đó của TCTD – cả ở cấp vận hành lẫn cấp quản lý. Khi đã nhận dạng được rủi ro, việc đánh giá chất lượng quản lý rủi ro là rất cần thiết để xác định trạng thái rủi ro của từng hoạt động trọng yếu và từng rủi ro đó. Cán bộ thanh tra, giám sát đánh giá chất lượng quản lý rủi ro ở hai chốt kiểm soát sau: quản lý hoạt động và chức năng giám sát.

Quản lý hoạt động đối với một hoạt động trọng yếu được thực hiện thông qua các chốt kiểm soát hàng ngày để quản lý tất cả mọi rủi ro cố hữu của hoạt động đó. Quản lý hoạt động đảm bảo rằng, nhân viên của ngân hàng hiểu rõ về những rủi ro sẽ gặp và phải quản lý của hoạt động họ phụ trách, đồng thời phải đảm bảo có đủ các chính sách, quy trình, nhân sự và những chính sách, quy trình này phải có hiệu quả trong việc quản lý rủi ro.

Cán bộ thanh tra, giám sát cần đánh giá quản lý hoạt động của TCTD có đủ khả năng nhận diện được tổn thất tiềm ẩn mà hoạt động trọng yếu có thể sẽ phải đối mặt và TCTD có kiểm soát đầy đủ rủi ro hay không. Việc đánh giá chức năng này dựa vào các tiêu chí chủ yếu như sau: cơ cấu tổ chức, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, việc triển khai các chính sách và quy trình nội bộ; hạn mức rủi ro, kiểm soát nội bộ; hệ thống thông tin quản lý và việc giám sát và báo cáo rủi ro.

7 nguyên tắc trong thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro ảnh 1

Công tác thanh tra tập trung vào việc nhận diện các rủi ro trọng yếu có thể xảy đến với một TCTD, có khả năng gây tổn thất cho người gửi tiền 

Chức năng giám sát chịu trách nhiệm thực hiện việc giám sát độc lập đối với quản lý hoạt động của toàn hệ thống. Chức năng giám sát được thực hiện tại cấp độ các bộ phận có liên quan của TCTD (bao gồm: Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Bộ phận quản lý rủi ro, Bộ phận tuân thủ, và Bộ phận kiểm toán nội bộ). Các tiêu chí chính đánh giá chức năng giám sát (tại cấp độ hoạt động trọng yếu) như sau: Phạm vi/ tần suất giám sát; Mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh; Đo lường và giám sát các loại rủi ro; Sự tuân thủ các chính sách và kiểm soát nội bộ; Chất lượng quản lý nhân sự; Hành vi đạo đức; Chất lượng của hệ thống báo cáo; Sự tương tác với Hội đồng thành viên.

Nguyên tắc 6: Điều chỉnh linh hoạt

Đánh giá rủi ro là công việc phải thực hiện liên tục và linh hoạt nhằm phát hiện sớm những rủi ro phát sinh từ chính TCTD cũng như từ môi trường kinh doanh bên ngoài. Do đó, cán bộ thanh tra, giám sát cũng cần phải linh hoạt trong thực hiện đánh giá rủi ro, những thay đổi của rủi ro cũng sẽ thay đổi thứ tự ưu tiên trong công việc đánh giá rủi ro đối với TCTD.

7 nguyên tắc trong thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro ảnh 2

Nguyên tắc 7: Đánh giá tổng thể đối với TCTD

Để có thể đưa ra đánh giá về rủi ro tổng thể của một TCTD, ngoài việc căn cứ vào kết quả đánh giá rủi ro ròng của các hoạt động trọng yếu, rủi ro ròng của các rủi ro cố hữu, tầm quan trọng của hoạt động trọng yếu, xu hướng rủi ro, cán bộ thanh tra, giám sát cần phải kết hợp với kết quả đánh giá về thu nhập, vốn tương ứng với tổng rủi ro ròng từ các hoạt động trọng yếu của TCTD và khả năng thanh khoản của TCTD. Cụ thể như sau:

Thu nhập

Thu nhập là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tồn tại và phát triển của TCTD. Thu nhập sẽ hấp thu tổn thất thông thường và tổn thất dự kiến trong một thời hạn nhất định và là nguồn bổ sung đối với vốn chủ sở hữu của TCTD. 

Thu nhập được đánh giá căn cứ vào chất lượng, số lượng và mức độ nhất quán của nguồn thu nhập. Việc đánh giá sẽ xem xét cả xu hướng trong quá khứ và triển vọng tương lai, trong hoàn cảnh bình thường cũng như khi gặp khó khăn, căng thẳng. Ngoài ra, khi xác định chất lượng thu nhập cũng cần xem xét đến nguồn thu nhập, trích lập đủ dự phòng, tác động của các khoản thu nhập và chi phí bất thường, chính sách trả cổ tức cũng như kết quả hoạt động so với nhóm đồng hạng. Mức độ đủ thu nhập của TCTD sẽ được đánh giá trong bối cảnh bản chất, quy mô, mức độ phức tạp và hồ sơ rủi ro của TCTD.

Vốn

Các TCTD phải duy trì mức đủ vốn để tài trợ cho các hoạt động của mình theo đúng quy định của pháp luật. Sự đủ vốn rất quan trọng đối với sự an toàn và lành mạnh của TCTD. Sự đủ vốn sẽ tạo phần đệm để hấp thu các tổn thất ngoài dự kiến và sự suy giảm giá trị tài sản có. Nguồn vốn có chất lượng cao sẽ làm giảm thiểu khả năng TCTD rơi vào tình trạng bất ổn khi phải đảm bảo yêu cầu thanh toán của người gửi tiền/chủ nợ. Vốn được đánh giá căn cứ vào sự phù hợp của vốn xét từ góc độ mức vốn và chất lượng vốn, cả ở hiện tại và triển vọng trong tương lai, cả trong điều kiện bình thường và khi gặp khó khăn, căng thẳng với mức tổng rủi ro ròng của TCTD đó.

TCTD cần duy trì mức đủ vốn trên mức tối thiểu theo quy định của pháp luật. Hiệu quả của quy trình quản lý vốn của TCTD đối với việc duy trì đủ vốn tương ứng với tổng rủi ro ròng của tất cả các hoạt động trọng yếu cũng cần được cân nhắc đến khi tiến hành đánh giá vốn. Các TCTD có mức tổng rủi ro ròng cao hơn sẽ phải duy trì mức vốn cũng như chất lượng vốn cao hơn và phải có quy trình quản lý vốn tốt hơn. Việc đánh giá được xét trong bối cảnh bản chất, quy mô, mức độ phức tạp và hồ sơ rủi ro của TCTD.

Khả năng thanh khoản

Khả năng thanh khoản rất quan trọng đối với sự an toàn và lành mạnh của các TCTD. Rủi ro thanh khoản phát sinh từ việc TCTD có thể không có đủ khả năng thực hiện mọi nghĩa vụ trên bảng cân đối tài khoản (cả nội bảng và ngoại bảng), khi các khoản này đến hạn phải thanh toán, bao gồm cả trong điều kiện gặp khó khăn, căng thẳng trên thị trường. Các TCTD phải trung thực và thận trọng trong quá trình đánh giá rủi ro thanh khoản và không chỉ dựa vào các mức tối thiểu theo quy định của pháp luật. Cán bộ thanh tra, giám sát đánh giá khả năng thanh khoản của TCTD căn cứ vào việc xem xét mức rủi ro thanh khoản và chất lượng quản lý khả năng thanh khoản của TCTD. Mức độ rủi ro thanh khoản phụ thuộc vào thành phần bảng cân đối của TCTD, nguồn vốn, chiến lược thanh khoản, điều kiện và các sự kiện thị trường. TCTD phải nắm giữ một lượng tài sản có có tính thanh khoản cao, phù hợp với mức độ chênh lệch kỳ đáo hạn giữa tài sản có và tài sản nợ (maturity mismatch) trên bảng cân đối tài khoản, trong đó đã tính đến khả năng xảy ra những sự kiện khó khăn, căng thẳng nghiêm trọng trong ngắn hạn.

Hệ thống tài chính - ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và lành mạnh ở mức độ như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác thanh tra, giám sát. Để thực hiện thanh tra, giám sát hiệu quả, vai trò của các thông lệ, nguyên tắc thanh tra, giám sát quốc tế là vô cùng quan trọng. Để triển khai thành công thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro thì một trong những yêu cầu quan trọng là xây dựng chi tiết quy trình đánh giá rủi ro cho từng hoạt động trọng yếu, cũng như rủi ro ròng và đánh giá tác động của rủi ro đến thu nhập, vốn, khả năng thanh khoản chung của TCTD. Các quy trình đánh giá rủi ro phải đảm bảo 7 nguyên tắc nêu trên. Đây là thông lệ tốt cho Ngân hàng Nhà nước tham khảo cho quá trình triển khai thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro và vận dụng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Tin bài liên quan