7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ

7 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết là một trong những giải pháp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong hai ngày 4-5/5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4, thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Trước vấn đề tăng trưởng GDP quý I/2016 chững lại, chỉ tăng 5,46%, thấp hơn so với 6,12% của cùng kỳ năm trước, được cho là có dấu hiệu giảm sút trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ đã chia sẻ một số giải pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra chiều 5/5.

Theo ông Mai Tiến Dũng, để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (6,7%), Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2016, trong đó tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng mạng lưới tiêu thụ và phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chủ động khai thác các cơ hội, thuận lợi, hạn chế những tác động bất lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam - EU,...

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội dưới các hình thức hợp tác công tư (PPP) phù hợp.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vùng sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả tình trạng hải sản chết bất thường, sự cố môi trường tại một số tỉnh ven biển miền Trung; hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc phát triển nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ hải sản; hỗ trợ gạo, ổn định đời sống cho ngư dân.

Tin bài liên quan