Đầu tiên, thị trường chậm lại đà giảm kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.150 điểm trên VN-Index và nỗ lực hồi phục trong phần lớn thời gian của của tháng 7. Diễn biến này tiếp tục vào những phiên đầu tháng 8, cụ thể chỉ số VN-Index đã lần lượt chinh phục thành công kháng cự quan trọng 1.200 điểm và 1.220 điểm trong phiên ngày 01/08.
Một tín hiệu tích cực nữa được ghi nhận là thanh khoản thị trường đã cải thiện mạnh sau khi VN-Index quay lại xu hướng tăng ngắn hạn. Từ góc nhìn phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ vận động trong kênh giá 1.220 - 1.300 điểm trong tháng 8; trong đó khu vực 1.300 điểm sẽ đóng vai trò là kháng cự quan trọng và xác định xu hướng trung hạn của VN-Index.
“Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể chủ động hạ/tăng tỷ trọng cổ phiếu theo kịch bản dao động trong vùng 1.220 - 1.300 điểm của VN-Index như trên”, nhóm chuyên gia nhận định.
7 cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 8
BCM - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp
Doanh thu thuần quý II đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu bất động sản (dân dụng và khu công nghiệp) đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 24%. Biên lợi nhuận được cải thiện với mức tăng 8% đạt 55%. Đồng thời, lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt mức 410 tỷ đồng, tăng 16%. Ngoài ra, việc hòa nhập quỹ lương giúp chi phí bán hàng và quản lý giảm 46%. Lợi nhuận sau thuế đạt 919 tỷ đồng, tăng 90%.
Dự báo năm 2022, tăng trưởng mạnh hơn 106% so với năm trước nhờ vào ghi nhận bán đất cho Capital Land và lợi nhuận từ liên doanh VSIP. SSI dự báo doanh thu hợp nhất đạt 10.568 tỷ đồng, tăng 51,2%, lợi nhuận sau thuế đạt 3.594 tỷ đồng, tăng 106%. Liên doanh VSIP và BW dự kiến tăng trưởng tích cực nhờ các dự án mới.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý các rủi ro: tính thanh khoản của thành phố mới Bình Dương; chậm trễ trong việc triển khai các khu công nghiệp mới do vấn đề về pháp lý và tăng chi phí vay đối với trái phiếu phát hành mới.
KSB - CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương
SSI ước tính, sản lượng tiêu thụ tại mỏ Phước Vĩnh và Tân Mỹ của KSB có thể tăng 16% so với cùng kỳ trong những tháng cuối năm trên nền thấp trong năm 2021 và nhu cầu đầu tư các công trình công gia tăng trong nửa cuối năm. Đồng thời, SSI Research dự ước doanh thu khu công nghiệp Đất Cuốc đạt mức 256 tỷ đồng, tăng 110% nhờ ghi nhận cho thuê 10 ha. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng cuối năm 2022 dự báo là 180,8 tỷ đồng, tăng 44%.
FPT - CTCP FPT
Chi phí nhân công hiện tại thấp hơn khoảng 20% so với các đối thủ từ Ấn Độ. Trong bối cảnh suy thoái, các doanh nghiệp có thể sẽ kiểm soát chi phí và FPT có thể nhiều khả năng để thắng thầu nhiều dự án nhờ lợi thế chi phí thấp tương tự giai đoạn Covid năm 2020. Năm 2020, FPT đã thắng được hợp đồng trị giá gần 100 triệu USD với một công ty trong lĩnh vực ô tô tại Mỹ.
FPT còn có thể hưởng lợi từ dòng tiền ổn định từ khối viễn thông. Vị thế tiền mặt ròng có thể giúp FPT tránh khỏi áp lực từ rủi ro tăng lãi suất cho vay do lãi tiền gửi có thể bù đắp chi phí lãi vay. Ngoài ra, mảng giáo dục cũng kỳ vọng có mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 30% trong 3 năm tới.
CTR - Tổng CTCP Công trình Viettel
Giai đoạn 2018 - 2021, thị phần của Viettel đã tăng từ 50% lên 54% đối với thuê bao di động và tăng từ 37,3% lên 40,5% đối với thuê bao internet. Nhờ đó, mảng cho thuê các trạm phát sóng BTS và hạ tầng viễn thông vẫn là yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp và động lực tăng trưởng.
Mảng xây dựng cũng có kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022 với gần 850 tỷ đồng giá trị ký mới ở mảng B2C và 1.200 tỷ đồng ở mảng B2B. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng ở mức 25% so với cùng kỳ năm 2021. Có khả năng giao dịch ký quỹ trong quý III/2022.
Đáng chú ý, dự kiến tháng 9/2022, cổ phiếu CTR khả năng sẽ có giao dịch ký quỹ sau khi đáp ứng đủ tiêu chí giao dịch 6 tháng trên sàn HOSE.
BID - Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam
BID ghi nhận kết quả lợi nhuận vượt kỳ vọng của SSI trong quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng - tăng trưởng 45,7% so với quý II/2021. Nhóm chuyên gia tiếp tục kỳ vọng BID sẽ là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu trong nửa cuối năm 2022. BID cũng đã trích lập hết cho nợ tái cơ cấu và tỷ trọng cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự báo đạt 20.600 tỷ đồng - tăng trưởng 52% so với mức lợi nhuận năm 2021.
STB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
STB đã tiếp tục hoàn thành một mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tính đến hết quý II/2022 với việc thoái thu hết lãi tồn đọng. Do đó, NIM của ngân hàng sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong các quý sắp tới.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể có các nguồn thu khác liên quan đến hợp đồng banca, Khu công nghiệp Sóng Thần hay Khu công nghiệp Tân Kim để có thêm nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro cho nợ tồn đọng, trong khi chưa có kết quả về việc bán khu công nghiệp Phong Phú và cổ phiếu STB đang cầm cố tại VAMC.
Lợi nhuận 2022 của ngân hàng dự báo đạt 5,5 nghìn tỷ đồng - tăng 25% so với 2021.
NLG - CTCP Đầu tư Nam Long
Nam Long lợi nhuận sau thuế toàn doanh nghiệp đạt 192 tỷ đồng trong quý II/2022, gấp 3 lần cùng kỳ nhờ bàn giao 2 dự án Akari Bình Chánh và Southgate Waterpoint. Dự kiến lợi nhuận trong quý III và quý IV sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ việc bàn giao các dự án Akari, Mizuki và Southgate. Thêm vào đó, công ty cũng sẽ hạch toán khoản thu nhập tài chính gần 400 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng cổ phần dự án Paragon Đại Phước.
Tính đến hết quý II, doanh số bán hàng của công ty đạt hơn 8.000 tỷ đồng và dự kiến quý III - quý IV, NLG sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng ở các dự án lớn như Izumi, Mizuki và Southgate.