Khoảng 50 công trình khổng lồ hoang vắng nằm im lìm khắp Trung Quốc. Việc xây dựng vẫn tiếp tục, chờ các cư dân không biết bao giờ mới chuyển đến.
Những thành phố mới này mọc lên chủ yếu ở vùng nông thôn ngoại vi các thành phố khác. Dự án xây dựng bao gồm những tòa chung cư cao cấp cho hàng trăm nghìn người, trung tâm mua sắm khổng lồ, quảng trường và thậm chí là mô hình bản sao của các thành phố châu Âu.
Dinny McMahon, tác giả cuốn “Bức trường thành nợ nần của Trung Quốc”, giải thích động lực phía sau những dự án khổng lồ.
“Tình trạng này xảy ra do các khoản nợ xuất hiện sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính quyền địa phương trên cả nước cố gắng kích thích nền kinh tế bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thị trường bất động sản”, ông McMahon nói.
Các dự án lãng phí do cả công ty nhà nước và công ty cá nhân thực hiện.
“Những nhà phát triển bất động sản tư nhân đầu tư vì họ nghĩ rằng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ chỉ đi lên, nhưng những khu này cuối cùng lại trở thành 'thành phố ma'”, ông nói.
64 triệu căn hộ không người
Như các dữ liệu nhạy cảm khác tại Trung Quốc, tỷ lệ nhà không có người ở không được công khai.
Nhiều người tin rằng nước này có khoảng 64,5 triệu căn hộ vô chủ bởi đây là số hộ không sử dụng điện trong 6 tháng liên tiếp năm 2010, theo Tổng công ty Lưới điện Trung Quốc.
Khu mua sắm trống trơn ở Trịnh Đông, Trung Quốc. Ảnh: Wade Shepard.
Công ty tư vấn J Capital Research đã ghi chép lại tình trạng của tất cả thành phố ma ở Trung Quốc, mở hẳn một trang web chỉ để thông báo còn bao nhiêu bất động sản chưa có chủ trên cả nước.
Giám đốc điều hành Tim Murray của công ty này cho biết nhiều thành phố thịnh vượng nhất được xây dựng theo cách này, ví dụ như Thâm Quyến, thành phố lớn thứ 4 Trung Quốc.
“Thâm Quyến là ví dụ điển hình về quy hoạch đô thị hiệu quả”, ông nói.
Trong khi Wade Shapard, tác giả cuốn “Thành phố ma Trung Quốc”, ca ngợi quá trình này giúp các thành phố tù túng có tiềm năng phát triển, ông Murray cho rằng Thâm Quyến chỉ là ngoại lệ, không phải quy luật.
“Dự án kiểu này được nhân rộng ra nhiều nơi không phù hợp, không hiệu quả”, ông Murray đánh giá.
Việc có dân cư hay không phụ thuộc vào khả năng tạo việc làm và phát triển công nghiệp của thành phố.
Theo ông McMahon, trong trường hợp của Khu đô thị mới Trịnh Đông, Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, chính phủ “đổ số vốn hàng chục triệu USD” vào Foxconn để công ty này mở nhà máy ở thị trấn, thu hút 200.000 người tới làm việc.
“Hầu hết 'thành phố ma' không có tiềm lực, cũng không có lợi thế như Trịnh Châu. Chúng được xây dựng ở nơi mà không người dân nào muốn chuyển đến, đơn giản vì ở đó không có cơ hội. Do vậy, viễn cảnh những nơi này đông dân cư là một giấc mộng viển vông", ông McMahon nhận định.
Tại thành phố mới Kinh Tân, khu nghỉ dưỡng xa xỉ cách Bắc Kinh 110 km, đường tàu cao tốc dự kiến khánh thành năm 2019 được hy vọng sẽ giúp thành phố này phát triển. Tuy nhiên, quy định mới chỉ cho phép dân địa phương mua bán căn hộ, trong khi người Bắc Kinh lại chiếm 70-80% khách hàng.
“Rất khó để bán được ở thời điểm hiện tại. Những người quan tâm thì lại không được phép mua”, bà Fan, thuộc công ty bất động sản thành phố Kinh Tân, cho biết.
Những khu đô thị vẫn tiếp tục được xây dựng, ngóng chờ các cư dân mới. Ảnh: J Capital Research.
Bong bóng bất động sản
Các thành phố ma không một bóng người nhưng thực chất nhiều căn hộ đều đã có chủ. Người dân mua để đầu tư mà không hề có ý định chuyển đến ở.
“Điều này phản ánh vấn đề căn bản của nền kinh tế Trung Quốc, đó là tầm quan trọng và mức độ phát triển của thị trường bất động sản đến mức nó trở thành bong bóng thúc đẩy giá cả”, McMahon nói.
Quan chức chính phủ biết rõ điều này và đang tìm kiếm một động lực phát triển kinh tế khác như chuyển hướng sang công nghiệp kĩ thuật cao.
“Kinh tế Trung Quốc đang ở thời điểm mà các khoản nợ tích tụ vì xây dựng hoang phí, dù đó là nhà bỏ không, nhà máy trống hay cơ sở hạ tầng mà chính quyền địa phương không bao giờ có thể hoàn trả. Mô hình tăng trưởng kinh tế này không thể duy trì”, ông McMahon nhận định.