Tại buổi họp báo chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng sẽ ban hành một chỉ thị dài 11 trang, gồm 60 nhiệm vụ cho 14 bộ.
Chỉ thị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ (VPCP) chuẩn bị, trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp thông qua VCCI.
Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng thực hiện chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sắp xếp đổi mới DNNN, phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt là cơ chế chính sách để khuyến khích 4,9 triệu kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng một đề án và các nhiệm vụ cụ thể, để giảm phí chính thức, không chính thức cho doanh nghiệp.
Hay Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ nghiên cứu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai.
Nhiệm vụ Bộ Tài chính bao gồm các vấn đề thủ tục thuế, hải quan, kê khai thuế điện tử, giảm thời gian, chi phí...
Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg mới được ký, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra. Ví dụ, cơ quan công an là thẩm quyền liên quan đến phòng cháy nổ, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến môi trường, Cục thuế, hải quan liên quan đến cơ quan thuế…
Thanh tra tỉnh, thành phố chủ trì, tiếp nhận toàn bộ những đề xuất của thanh tra của các sở, ngành chuyên ngành để xây dựng một kế hoạch thanh tra trình chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Hằng năm, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra của các doanh nghiệp trong phạm vi địa bàn, thẩm quyền của chủ tịch tỉnh quản lý.
Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng mới thanh tra doanh nghiệp, chứ không phải vào thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng sau đó lại không có chứng cứ vi phạm pháp luật.
Khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, lúc đó yêu cầu cơ quan đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết, doanh nghiệp có thể kiến nghị lên các cơ quan cao hơn. Khi các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu cố tình, nếu biết mà vẫn để cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
“Đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm và giám sát việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng mới được ký ngày hôm nay”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5 là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Trung ương.
Bộ trưởng Dũng cho biết, tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. “Chúng ta đã xác định doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này”, ông Dũng nói.
Tại buổi họp báo nội dung thanh kiểm tra 60 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất có dấu hiệu về lỗ hổng “rơi” vốn nhà nước được Bộ Tài chính giải đáp cụ thể hơn. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, 60 dự án trong Văn bản số 2000/BTC-TTr báo cáo Thủ tướng được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, rà soát tình trạng sử dụng đất của DN cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng và kiến nghị giải pháp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã rà soát, thời điểm rà soát từ 1/7/2014 đến hết năm 2016, tức là thời điểm thực hiện Luật Đất đai 2013.
Qua rà soát, Bộ Tài chính kiến nghị chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để chọn ra các đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó.
Trong số 60 dự án, đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, gây bức xúc trong dư luận, Bộ này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh đình chỉ những dự án đang thực hiện, chứ không phải tất cả 60 dự án.