6 tháng, quỹ mở VFB và VF1 tăng mạnh nhất

6 tháng, quỹ mở VFB và VF1 tăng mạnh nhất

(ĐTCK) Giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ trái phiếu VFMVFB và Quỹ cân bằng VFMVF1 của VFM tăng mạnh nhất khối các quỹ mở trong 6 tháng đầu năm. Kết quả này được so với các quỹ mở tương đương và so với tỷ suất sinh lời tham chiếu của thị trường mà quỹ đó hoạt động.

Quỹ trái phiếu VFB tăng 5,29% giá trị tài sản ròng (NAV) trong 6 tháng (tính đến ngày 27/6), cao gấp rưỡi lãi suất tiết kiệm dài hạn tại các ngân hàng lớn (hiện phổ biến ở mức 7%/năm, tương đương 3,5%/6 tháng). Quỹ cân bằng VF1 tăng 10,76% trong 6 tháng, tính đến ngày 26/6, so với lợi nhuận tham chiếu  9-10% của hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Lợi nhuận tham chiếu là trung bình cộng giữa tăng trưởng của VN-Index và lợi nhuận của trái phiếu chính phủ.

Quỹ trái phiếu

Đứng sau VFB, Quỹ MBBF của MBCapital có mức tăng trưởng NAV 5,08% (tính đến ngày 25/6). Mặc dù không phải là quỹ có NAV tăng trưởng cao nhất, nhưng MBBF lại tăng liên tục trong cả 6 tháng đầu năm và tốc độ tăng khá đều đặn, trong khi VFB lên xuống tùy theo tình hình thị trường. Cũng giống như VFB, tỷ suất sinh lời của MBBF hiện cũng gấp rưỡi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, Quỹ VFF của VinaWealth vẫn khá chật vật với mức tăng chỉ đạt 3,47% trong 6 tháng (tính đến ngày 24/6), thấp hơn lãi suất tiết kiệm dài hạn. Quỹ mở này đã tăng giá trị tài sản ròng trở lại khá tốt trong 2 tháng 5 và 6, khi nhu cầu đối với TPCP tăng trở lại.

Quỹ cân bằng

Quỹ cân bằng VCBF-TBF của VCBF tăng 5,66% trong 6 tháng (tính đến ngày 27/6), thấp hơn nhiều so với tỷ suất sinh lời chung của thị trường. Tuy nhiên, trong tháng 6, VCBF-TBF đã phục hồi khá mạnh với mức tăng 2,96%, cao hơn mức tăng của VN-Index cùng thời gian.

Các quỹ khác mới đi vào hoạt động hiện vẫn chưa thể hiện được hiệu quả rõ ràng. BVFED của Baoviet Fund giảm 1,05% trong 4 tháng đầu hoạt động, tính đến ngày 26/6. Tuy nhiên, kết quả này tốt hơn VN-Index khi chỉ số này đã giảm 1,7% trong cùng thời gian.

ENF của Eastspring Investments giảm 1,12% trong 3 tháng (tính đến ngày 27/6), mặc dù VN - Index không đổi và lợi nhuận của trái phiếu chính phủ đã tăng trong khoảng thời gian này.

Một quỹ mở cân bằng mới là VCAMBF của Viet Capital tăng 1,55% trong hơn 1 tháng đầu hoạt động tính đến ngày 26/6.

Quỹ mở cổ phiếu

Trong 3 quỹ mở cổ phiếu, VF4 của VFM đang tăng cao nhất 12,66% tính đến ngày 25/6. Nhưng nếu so với VN-Index tăng 14,2% trong cùng khoảng thời gian, mức tăng này đã thấp hơn hẳn thị trường.

Một quỹ cổ phiếu khác của VFM là VFA thậm chí chỉ tăng vỏn vẹn 2,20% tính đến ngày 27/6. Quỹ đầu tư này cũng liên tục thua xa thị trường trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, quỹ mở cổ phiếu mới MBVF của MBCapital đang tỏ ra vượt trội thị trường sau hai tháng đầu hoạt động. Quỹ đầu tư này đã tăng 4,06% tính đến ngày 26/6, trong khi VN-Index gần như không tăng trong khoảng thời gian này.

MBBF tăng thêm được nhiều chứng chỉ nhất

Các quỹ mở nhìn chung vẫn khó bán thêm được chứng chỉ cho nhà đầu tư. Trong tháng 6, MBBF là quỹ đầu tư bán thêm được nhiều chứng chỉ nhất với số chứng chỉ tăng ròng 222.000 đơn vị (khoảng 2,3 tỷ đồng). Đặc biệt là toàn bộ chứng chỉ tăng thêm do nhà đầu tư trong nước mua. Quy mô của quỹ trái phiếu này hiện đang đạt gần 85 tỷ đồng.

Các quỹ khác bị rút ròng hoặc được mua thêm rất ít. MBVF của MBCapital được mua ròng 60.000 chứng chỉ (khoảng 600 triệu đồng). ENF của Eastspring được mua ròng 40.700 chứng chỉ trong tháng 6. Số chứng chỉ của VFB hầu như không đổi.

VCBF-TBF bị rút ròng gần 90.000 chứng chỉ (900 triệu đồng), sau nhiều tháng được mua ròng đều đặn, tính chung 6 tháng quỹ cân bằng này đã tăng quy mô thêm 13 tỷ đồng. BVFED bị rút ròng 6.000 chứng chỉ.

Các quỹ chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở của VFM tiếp tục bị rút ròng: VF4 bị rút ròng 280.000 chứng chỉ, VF1 bị rút ròng 70.000 chứng chỉ trong tháng.   

Tin bài liên quan