DN phát hành 15.000 tỷ đồng trái phiếu
Đầu tuần này, Bản tin lãi suất 6 tháng đầu năm 2013 của Nhóm nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng BIDV đã đưa ra con số tổng khối lượng TPDN phát hành khá ấn tượng, xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, bằng 88% tổng khối lượng trái phiếu phát hành năm 2012. Con số này bao gồm 7.600 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), 2.500 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), 1.000 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cộng với một số đợt phát hành có quy mô nhỏ, dưới 100 tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu này là của các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Bản tin viết.
Sự tiến triển của thị trường TPDN sơ cấp gắn trực tiếp với tình hình giải ngân của khối ngân hàng thương mại, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đang bế tắc lối ra cho dòng tín dụng như hiện nay. Trong đợt phát hành của VIPD, một số ngân hàng, trong đó có BIDV và Techcombank đã “chia nhau” mua vào từ 500 - 3.000 tỷ đồng, theo nguồn tin riêng của ĐTCK. Hay toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu của CII được Vietcombank mua vào, cũng theo một nguồn tin riêng liên quan đến đợt phát hành. Bản tin của BIDV nhận xét, lợi tức hấp dẫn của TPDN cộng với thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào đã thu hút ngân hàng đến với các đợt phát hành của các DN có uy tín.
“Mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn, số lượng DN đóng cửa, thu hẹp quy mô hoạt động lớn tiếp tục tạo ra những thách thức cho việc phát hành TPDN, nhưng những DN uy tín, năng lực tài chính tốt, có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi vẫn thu hút được sự quan tâm của NĐT trong giai đoạn hiện nay”, báo cáo viết.
Toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu của CII trong đợt phát hành mới đây đã được Vietcombank mua vào
Dường như có điểm mâu thuẫn giữa báo cáo của BIDV với báo cáo của các tổ chức khác như CTCK Bảo Việt, CTCK Vietcombank, khi các báo cáo này kết luận, thị trường TPDN trong 6 tháng đầu năm vẫn hết sức ảm đạm và đợt phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng của CII là đợt phát hành lớn nhất được công bố. Dữ liệu (không nêu trong báo cáo) của 1 trong 2 CTCK này thống kê, chỉ có 2.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành từ đầu năm tới nay. Điều này có thể giải thích bằng việc thống kê giao dịch trái phiếu của BIDV bao gồm cả những thương vụ phát hành trong phạm vi hẹp nhà đầu tư, thay vì chào bán rộng rãi trên thị trường.
Cũng bởi thông tin được giữ trong phạm vi hẹp, đã có ít nhiều ý kiến nghi ngờ: Liệu có hay không đợt phát hành chỉ mang tính chất đảo nợ cho DN từ ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn, nhằm giúp ngân hàng tránh việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu?
Cung - cầu TPDN tiếp tục tăng
Tuy nhiên, việc các ngân hàng tăng nhu cầu đầu tư thực tế vào những TPDN có lợi suất và độ rủi ro hợp lý là rất rõ ràng. Giám đốc tư vấn tài chính DN của một CTCK cho biết, cuối năm ngoái, ông giúp một DN chào bán trái phiếu với lợi suất 17%/năm cho một ngân hàng, nhưng cách đây 2 tháng, ngân hàng đó chủ động liên hệ mua vào lượng trái phiếu chào bán với lợi suất thấp hơn hẳn, dưới 14%/năm.
Trong khi đó, nguồn cung TPDN tiếp tục tăng, bởi một số DN muốn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp để huy động vốn. Nguồn tin của ĐTCK cho biết, có ít nhất hai tập đoàn Nhà nước đang chuẩn bị cho đợt phát hành trái phiếu với quy mô tương đối lớn.
“Dự báo thị trường TPDN sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực trong thời gian tới, khi cả cung và cầu trái phiếu đều khá dồi dào”, Bản tin của BIDV nhận xét và lưu ý, các giao dịch này sẽ vẫn tập trung ở những DN lớn có uy tín, vì các ngân hàng lo ngại nợ xấu, mặt khác do mặt bằng lãi suất đang được xem ở mức đáy khiến NĐT thận trọng, chủ yếu ưa thích đầu tư các trái phiếu trung hạn 2, 3 năm. Bản tin cũng cập nhật mặt bằng lãi suất TPDN kỳ hạn 3-5 năm đang phổ biến quanh mức 13-15%/năm.