Việc định hướng tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội thấp tầng và nhà ở thương mại phù hợp túi tiền đã giúp CKG vượt qua được những biến động khó khăn của thị trường bất động sản trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, duy trì được sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Công ty, năm 2024, thanh khoản thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự cải thiện rõ nét giúp cho các doanh nghiệp bất động sản đang bắt đầu tự tin bung hàng, cũng như kỳ vọng sự khởi sắc về hoạt động kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2024. Thị trường vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khi nhu cầu ở thực vẫn còn cao (phân khúc vừa túi tiền và nhà ở xã hội); mặt bằng lãi suất cho vay giảm; nhiều luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản); Chính phủ quan tâm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản bền vững.
Đây là một trong những cơ sở quan trọng để CIC Group tự tin đặt ra kế hoạch doanh thu tương đương so với năm 2023 là 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 142 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI), thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở trong nửa đầu năm 2024 đã diễn biến khả quan hơn so với kịch bản kỳ vọng.
Cụ thể, nguồn cung mới tăng 40%, vượt xa mức dự đoán 20%-30% của kịch bản kỳ vọng. Giá bán tăng 3%-5%, phù hợp với dự báo. Lãi suất thả nổi ở mức 10 - 12%/năm, cũng nằm trong khoảng dự kiến (một số ngân hàng chào lãi suất ưu đãi rất tốt cho 6 - 12 tháng đầu tiên dao động trong khoảng từ 6% - 8%/năm). Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 34%, tương đương với mức ước tính từ 30%-35% của kịch bản kỳ vọng.
Kết quả này cho thấy thị trường BĐS đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, vượt qua những khó khăn của năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như kinh tế suy thoái do tác động bất ổn địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cho vay đã giảm sâu, pháp lý BĐS chưa được tháo gỡ triệt để, và niềm tin thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, với những tín hiệu khả quan trong nửa đầu năm 2024, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới tích cực hơn.
Quay lại với CKG, theo kế hoạch năm 2024, CKG đặt mục tiêu doanh thu 1.220 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bất động sản chiếm 95%. Cụ thể, các dự án mà công ty đang triển khai bán hàng trong năm 2024 gồm dự án An Bình, Nam An Hoà, khu đô thị mới Tây Bắc ở TP. Rạch Giá và dự án Rivera Villas ở Phú Quốc.
Trong đó dự án khu đô thị mới Tây Bắc dự kiến sẽ đóng góp phần lớn doanh thu cho CIC Group. Đây cũng là dự án đem lại nhiều thành công cho CIC Group trong các năm qua nhờ đánh vào đúng phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân tại TP. Rạch Giá.
Tại Phú Quốc, CIC Group đang tiếp tục tập trung thực hiện các dự án dang dở và triển khai dự án Rivera Villas. Đây là dự án có vị trí đắc địa tại trung tâm và là một trong số ít dự án biệt thự đã có pháp lý hoàn chỉnh và sở hữu lâu dài được kỳ vọng sẽ đón đầu được đà phục hồi của thị trường bất động sản tại Đảo Ngọc.
Bên cạnh đó, CIC Group còn có 3 dự án lớn chuyển tiếp cho năm 2025 và các năm sau ở TP. Rạch Giá là dự án Bắc Vĩnh Quang, Đường số 2 và Chợ Nông Hải Sản TTTM Rạch Giá.
CKG cho biết, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.800 sản phẩm với đa dạng phân khúc phù hợp với các nhu cầu.
Bên cạnh các dự án chủ lực cho năm 2024, CIC Group tiếp tục chủ động cơ cấu lại nguồn lực đầu tư,
tập trung thực hiện các dự án đang dang dở và triển khai thêm một số dự án tiềm năng mới để tạo sản phẩm gối đầu cho giai đoạn 2025 – 2030 như Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Resident Hill, dự án biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Bãi Vòng tại Tp.Phú Quốc.
CKG cũng tiếp tục đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp để tạo doanh thu và tính thanh khoản cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Trong nửa đầu năm 2024, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đã trở thành trọng tâm của các chính sách và hoạt động chiến lược của Chính phủ cùng sự tham gia mạnh mẽ của các chủ đầu tư bất động sản. Luật Nhà ở 2023 đã điều chỉnh và mở rộng các chính sách để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường, cùng với đó là Đề án 1 triệu Nhà ở xã hội của Chính phủ, đặt mục tiêu cân bằng lại cơ cấu nguồn cung nhà ở trong giai đoạn tới 2030.
Những nỗ lực này đã thúc đẩy sự chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang triển khai của nhiều chủ đầu tư, tiêu biểu như: Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án NƠXH với hơn 10.000 căn tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa; Hoàng Quân hợp tác cùng Novaland xây dựng 3.000 căn NƠXH tại TP.HCM; Hancorp đặt kế hoạch xây dựng 10.000 căn NƠXH tại Hà Nội và Hà Nam; Viglacera đang triển khai xây dựng 10.000 căn NƠXH tại các tỉnh phía Bắc và sẽ sớm bàn giao 5.000 căn, chủ yếu tại Hà Nội.
CKG cũng như các chủ đầu tư trong phân khúc trung - cao cấp cũng đang tích cực tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ Chính phủ trong việc cân bằng lại cơ cấu nguồn cung và tái thiết bất động sản về đúng giá trị thực. Những nỗ lực này hứa hẹn mang lại những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thị trường.