Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân H. (47 tuổi, phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã lợi dụng quy định khám bệnh bảo hiểm y tế thông tuyến để đi khám rất nhiều lần tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn Thành phố.
Qua kiểm tra trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện từ cuối tháng 6/2016 đến khoảng giữa tháng 1/2017, bệnh nhân này đi khám bệnh tới 319 lần.
Nhà ở quận 8, nhưng ông H. thường đi nhiều bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để khám và lấy thuốc. Đơn cử, ngày 13/10/2016, ông H. đến khám ở bệnh viện quận 1, quận 3, quận Tân Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã mời ông H. đến làm việc.
Được phía cơ quan bảo hiểm xã hội phân tích, giải thích về hành vi lạm dụng, ông H. cam kết sẽ không vi phạm các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đồng thời, ông H. đã trả lại hơn 9 triệu đồng do đã lạm dụng từ việc đi khám bệnh nhiều lần tại các bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Quân dân miền Đông, Bệnh viện quận 1, quận 5, quận Thủ Đức…
Từ cuối tháng 6/2016 đến khoảng giữa tháng 1/2017, ông H. đi khám bệnh tới 319 lần.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: Đối với các trường hợp bệnh nhân lạm dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản cho các cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đã từng đi khám bệnh để rà soát.
Cùng đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội mời bệnh nhân có dấu hiệu lạm dụng đến làm việc để cảnh báo. Nếu phát hiện về việc trùng lặp về cấp thuốc sẽ yêu cầu bệnh nhân phải bồi hoàn lại số tiền đó.
Với các trường hợp cố tình lạm dụng, trước hết, cơ quan Bảo hiểm xã hội vận động hoàn trả lại số tiền vi phạm. Với các trường hợp không chịu thực hiện trả lại tiền, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.