Năm nay, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng được kỳ vọng giảm mạnh so với các năm trước

Năm nay, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng được kỳ vọng giảm mạnh so với các năm trước

6 tháng đầu năm, các ngân hàng xử lý nợ xấu như thế nào?

(ĐTCK) Lợi nhuận tăng nhưng nợ xấu theo con số tuyệt đối của nhiều ngân hàng cũng tăng trong 6 tháng đầu năm 2018 và trích lập dự phòng rủi ro được đẩy mạnh.

Nợ xấu tuyệt đối tăng

Những khoản nợ khó đòi giai đoạn trước vẫn đang hiện hữu và để càng lâu thì mức độ "khó đòi" cũng tăng lên. Đây là lý do rất nhiều ngân hàng báo cáo con số nợ xấu tuyệt đối các nhóm cao (3-5) tăng lên trong 6 tháng đầu năm.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, cho vay khách hàng tăng 2,6%, nhưng nợ xấu của Ngân hàng có tăng tăng hơn giai đoạn trước. Cụ thể, nợ xấu theo con số tuyệt đối tăng 31,4%, lên mức 3.396 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,61% cuối năm 2017 lên 2,04% vào cuối tháng 6/2018.

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 82,6%, lên 1.050 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 27%, lên 1.981 tỷ đồng, chiếm 58% tổng số nợ xấu. Sau khi tất toán tất cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2017, chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2018 của Techcombank đã giảm 56%, chỉ còn 1.043 tỷ đồng.

Theo Techcombank, xử lý nợ xấu cũ và hạn chế nợ xấu mới phát sinh là nhiệm vụ ngân hàng này đang làm rất tốt. Trong 100 đồng cho vay ra, mức độ rủi ro chỉ là 0,6 đồng, đây là tỷ lệ ngang với những ngân hàng lớn toàn cầu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho thấy, cuối tháng 6/2018, MB còn 2.639 tỷ đồng nợ xấu, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 294 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 144 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên 1,29% tại ngày 30/6/2018.

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đến cuối tháng 6 theo báo cáo tài chính quý II/2018 là 862,7 tỷ đồng, chiếm 1,17% dư nợ cho vay của Ngân hàng, tăng so với mức 1,09% thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm hơn 50% tổng nợ xấu, tăng 69% so với đầu năm.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank chia sẻ, chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng khá lớn, nếu như 6 tháng đầu năm 2017 chỉ là 3.900 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm 2018 vào khoảng 5.400 tỷ đồng. Trong đó, phần của Ngân hàng là 1.800 tỷ đồng, còn lại đến từ công ty con FE Credit, 3.600 tỷ đồng.

Song song với việc trích lập dự phòng, kết quả thu hồi nợ 6 tháng đầu năm được bà Thảo cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, thu hồi nợ từ những khoản ngoại bảng của Ngân hàng hợp nhất là hơn 724 tỷ đồng, tăng 79%. Trong đó, 204 tỷ đồng là của Ngân hàng và hơn 520 tỷ đồng của FE Credit. Tính đến cuối tháng 6/2018, nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất là 3,47%, trong đó phần của Ngân hàng là 2,71%, số liệu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là 2,89% và 2,33%.

“Nợ xấu Ngân hàng hợp nhất còn cao, nhưng đây là mô hình VPBank đang kinh doanh - mô hình hoạt động có mức độ rủi ro cao, nên nợ xấu cao. Dẫu vậy, Ban lãnh đạo đang có biện pháp điều chỉnh cả phía Ngân hàng và FE Credit”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói.

Ông Vinh cho biết, Ngân hàng còn gần 4.000 tỷ đồng tại VAMC và đang hạch toán theo cơ chế hạch toán chung của Ngân hàng Nhà nước là 20% mỗi năm. 4 năm qua, VPBank đã bán hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, thu về và hoàn thu hồi nợ hơn 5.000 tỷ đồng. Các khoản nợ của VPBank đều có tài sản đảm bảo nên tỷ lệ thu hồi ở mức 65 - 70%.

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc VPBank cho hay, VPBank không mua lại nợ từ VAMC bởi tôn trọng nguyên tắc kế toán của Ngân hàng. Theo đó, VPBank vừa thu hồi nợ, vừa trích lập dự phòng rủi ro.

Tập trung trích lập dự phòng

Trong quý II/2018, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) trích lập dự phòng rủi ro 138 tỷ đồng, tăng 81% so với quý II/2017; luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, VIB đã trích lập được gần 234 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu là 2,33%, giảm so với mức 2,49% cuối năm 2017, nhưng số dư nợ xấu của VIB vào cuối tháng 6/2018 tăng nhẹ lên 2.035 tỷ đồng. Ngân hàng này còn gần 1.500 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 746 tỷ đồng.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng ở giới hạn vừa phải (khoảng 16% năm 2017 và 2018), nhưng Ngân hàng vẫn liên tục gia tăng quy mô trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Dự kiến, kết quả lợi nhuận năm 2018 đạt 14.000 tỷ đồng, được tính toán sau khi Ngân hàng đặt kế hoạch tiếp tục trích lập dự phòng khoảng 6.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, lượng trích lập đã thực hiện vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu theo đó lên tới 141%.

Được biết, chính sách gia tăng trích lập dự phòng nói trên được thực hiện sau khi Vietcombank đã hoàn tất mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC vào cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu sau đó giảm nhanh và đến cuối tháng 6/2018 chỉ còn 1,1%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của MB cho thấy, chi phí hoạt động của Ngân hàng trong nửa đầu năm là 3.549 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng trích 1.659 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu trên tổng dư nợ được SCB duy trì ở mức thấp, thời điểm cuối tháng 6/2018 lần lượt là 0,67% và 0,51%. Trong 6 tháng đầu năm, SCB đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.850 tỷ đồng.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, quý II/2018, Ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cổ phiếu chứng khoán đầu tư do ảnh hưởng từ biến động chung của thị trường chứng khoán khiến lợi nhuận giảm.

Với TPBank, mặc dù thu được 113 tỷ đồng từ nợ đã bán cho VAMC trong 6 tháng đầu năm 2018, nhưng Ngân hàng vẫn trích 372 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đẩy mạnh cấn trừ, thu hồi nợ

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong nửa đầu năm 2018, khoảng 40 nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị đã được thông qua liên quan xử lý nợ xấu.

Trong đó, Hội đồng quản trị đã họp bàn về phương án xử lý một số khoản vay, thanh lý bất động sản nhận cấn trừ, bán đấu giá tài sản. Một số khoản vay được gia hạn tiến độ thanh toán, miễn giảm lãi thẻ tín dụng với một số khách hàng cá nhân...

Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng giảm còn 3,3% so với cuối năm 2017 là 4,28%. Sacombank dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay.

Theo thông tin trên website của LienVietPostBank, chỉ riêng trong tháng 5/2018, ngân hàng này có 7 lần thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản hay bán đầu giá tài sản.

Tại SCB, trong gần 2 tháng cuối quý II/2018, Ngân hàng công bố trên website gần 10 thông báo về việc thu giữ tài sản và xử lý tài sản của các cá nhân và doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo xử lý nợ của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcombank) khu vực phía Nam cho biết, phương án cụ thể được Ngân hàng đặt ra từ đầu năm là xử lý thu hồi nợ bằng tiền mặt 450 tỷ đồng trong năm 2018 và tính đến hết tháng 6 đã thu hồi được gần 300 tỷ đồng.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo - Thống kê, NHNN tiến hành trong tháng 6/2018, các tổ chức tín dụng dự kiến, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có thể giữ ở mức thấp và hầu hết dự kiến tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với cuối năm trước.          

Tin bài liên quan