6 tháng đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của nhiều thương hiệu xe châu Âu lâm cảnh bi đát

6 tháng đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của nhiều thương hiệu xe châu Âu lâm cảnh bi đát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường ảm đạm cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lãi suất liên tục ở mức cao, các hãng xe hạng sang của châu Âu như BMW, Volkswagen hay Mercedes-Benz đồng loạt báo cáo lợi nhuận thấp thảm hại trong quý II/2024.

BMW ghi nhận biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến ​​trong quý II đối với phân khúc ô tô cốt lõi. Đây là hệ quả từ sự cạnh tranh gia tăng và nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.

Biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) trong phân khúc ô tô của hãng đã giảm xuống còn 8,4% từ mức 9,2% trong cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8,7% mà các nhà phân tích kỳ vọng.

BMW cũng chỉ ra mức đầu tư cao liên tục, với mức chi kỷ lục của hãng sản xuất ô tô này cho việc nghiên cứu cải tiến các mẫu xe và phát triển cho xe điện dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh trong năm nay.

Biên lợi nhuận của phân khúc ô tô BMW trong quý II đạt mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu cả năm của công ty là 8-10%.

Cùng hoàn cảnh “ế ẩm” như BMW, Volkswagen có vẻ sẽ kéo dài giai đoạn cắt giảm chi phí của tới nửa cuối năm 2024.

Trong bối cảnh chi phí tăng cao, hãng xe sang của Đức đang trong quá trình thực hiện sáng kiến ​​tiết kiệm chi phí từ tháng 12 năm ngoái, nhằm “dành dụm” tới 10 tỷ euro (10,83 tỷ USD), trong đó dự kiến ​​sẽ cắt giảm 4 tỷ euro trong năm 2024.

Lợi nhuận hoạt động của thương hiệu cốt lõi Volkswagen lao dốc xuống còn 5% dưới sức nặng của chi phí tái cấu trúc, trong khi đó, lợi nhuận của hai thương hiệu Audi và Porsche cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, doanh số bán hàng giảm và chi phí cao liên quan đến việc ra mắt mẫu xe mới.

Lợi nhuận trước lãi vay và thuế của Tập đoàn Volkswagen đạt 5,46 tỷ euro (tương đương 5,91 tỷ USD) trong quý II, với biên lợi nhuận đạt 6,6%. Bên cạnh đó, doanh thu trong quý cũng giảm 3,8% so với cùng kỳ.

Hồi tháng 7, Volkswagen cũng hạ triển vọng lợi nhuận hoạt động xuống còn 6,5-7,0% từ mức 7%-7,5% do doanh số giảm, cũng như chi phí tăng cao từ việc đóng cửa một nhà máy của Audi tại Brussels và hợp nhất VW Bank Russia.

Mercedes-Benz cũng đã thu hẹp dự báo biên lợi nhuận năm 2024 cho phân khúc ô tô cốt lõi của mình, điều chỉnh xuống còn 10-11% so với mục tiêu trước đó là 10-12%.

Phân khúc xe ô tô của Mercedes đạt được biên lợi nhuận 10,2% trong quý II, trong khi đó, thu nhập của hãng thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.

Mercedes báo cáo mức giảm 27,5% trong thu nhập đã điều chỉnh của phân khúc ô tô, thấp hơn mức ước tính của LSEG là 26%.

Ở cấp độ tập đoàn, EBIT của hãng giảm 19,1% trong quý II.

Kết thúc nửa đầu năm nay, Mercedes ghi nhận doanh số bán hàng giảm 6% và doanh số bán xe điện giảm 17%.

Sức ép tại thị trường trọng điểm Trung Quốc có vẻ đang đe dọa tới sự “sống còn” của những hãng xe châu Âu này. Các nhà sản xuất địa phương ngày càng thắng lớn trong cuộc chiến thị phần với các mẫu xe điện giá rẻ, buộc các đối thủ châu Âu phải giảm giá.

BMW chứng kiến ​​doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 4% trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn khả quan hơn Volkswagen và Mercedes.

Volkswagen và Mercedes đang tích cực đầu tư cải tiến dòng sản phẩm của mình trên toàn cầu với các mẫu xe điện được thiết kế riêng, đặc biệt là cho thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm bảo vệ thị phần tại Trung Quốc, duy trì thị phần tại Châu Âu và phát triển tại Hoa Kỳ.

"Hy vọng rằng doanh số sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ việc ra mắt thêm nhiều mẫu xe mới trên thị trường, đặc biệt là trong phân khúc xe cao cấp", CEO Ola Kaellenius của Mercedes chia sẻ.

Tin bài liên quan