Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của ngân hàng tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21,1 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Thu nhập từ lãi đạt 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định tại 5,6%. Trong quý II/2022, do biến động lãi suất, lợi suất tài sản giảm 12,0 điểm phần trăm (bps) và chi phí vốn tăng 17,0 điểm phần trăm (bps) so với quý trước.
Đặc biệt, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi.
Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) vẫn tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,8 nghìn tỷ. Mức tăng này chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng 35,3% của quý I/2022. Trong quý 2/2022, thu nhập ròng của dịch vụ ngân hàng đầu tư giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do những lo ngại liên quan đến quy định quản lý hoạt động trái phiếu và biến động mạnh của TTCK. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là mặc dù thanh khoản hàng ngày trên hai sàn chứng khoán giảm mạnh hơn 40%, phí từ các dịch vụ ngân hàng đầu tư khác (không đến từ trái phiếu) chỉ giảm nhẹ 6,6%, đóng góp gần 60% vào tổng thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư trong quý II và 57,3% trong nửa đầu năm 2022, giảm sự phụ thuộc của Ngân hàng vào hoạt động trái phiếu, nhờ TCBS đã chủ động đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Chi phí hoạt động tăng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 6.400 tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Chi phí hoạt động tăng để triển khai kế hoạch chiến lược của Ngân hàng là đầu tư vào 3 lĩnh vực: Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài.
Chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước, do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Techcombank đạt 623.700 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý II/2022 đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021.
Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.400 tỷ đồng, chiếm 46,6% danh mục tín dụng của Ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 20,8% so với cuối quý II/2021, đạt 69.400 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 7,0%, đạt 166.400 tỷ đồng, chiếm 37,7% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng. Tỷ trọng này giảm đáng kể so với mức 49,0% tại quý II/2021 và mức 45,6% của quý I/2022.
Tổng tiền gửi tại ngày 30 tháng 6 năm 2022 là 321.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% từ đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 169.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối quý II/2021 và số dư CASA đạt 152.700 tỷ đồng, tăng 14,4%. Tỷ lệ CASA giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý I/2022, do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán.
Các nguồn huy động vốn khác, ngoài huy động từ khách hàng thị trường 1, tiếp tục được khai thác mạnh mẽ. Các khoản vay hợp vốn và giấy tờ có giá đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 32,0%, và tỷ lệ cho vay trên huy động vốn (LDR) tăng lên 78,8%. Cả hai chỉ số đều thấp hơn so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng lên 15,7% cuối quý II/2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và mức 15,1% tại thời điểm 31/3/2022.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, 171,6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2022.