“Dịch Covid-19” tiếp tục là một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020. Đây là nhận định vừa được Tổng cục Thống kê một lần nữa khẳng định.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, con số là 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn, nên trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã xuất siêu 4 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 5/2020 đã xuất siêu 1 tỷ USD, còn tháng 6, ước tính xuất siêu 500 triệu USD.
Con số này cao hơn đáng kể so với mức xuất siêu 1,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn cho mức xuất siêu 4 tỷ USD chủ yếu vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này, kể cả dầu thô, đã xuất siêu 14,2 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.
Xuất siêu lớn sẽ hỗ trợ cho dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế và cả tỷ giá đồng Việt Nam. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên, trên một góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc Việt Nam xuất siêu lớn trong nửa đầu năm cũng một phần do nhập khẩu giảm. Hiện Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên nhập khẩu giảm cũng đồng nghĩa với sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Quay trở lại với tình hình thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước.
Như vậy là sau giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, xuất khẩu đã bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Tuy vậy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên thực tế, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2020 vẫn giảm 2% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại giảm khá mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 8,6 tỷ USD, giảm 24,1%; xuất khẩu hàng dệt may đạt 5,7 tỷ USD, giảm 28,1%.
Còn nếu tính chung 6 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%; hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, về nhập khẩu, kim ngạch ước đạt trong tháng 6/2020 là 20,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,55 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,62 tỷ USD, giảm 5,4%.
Điều đáng chú ý, nhìn vào cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong nửa đầu năm, có thể thấy, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất giảm khá mạnh, với 109,5 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 54,2 tỷ USD, giảm 1,7% và chiếm 46,3% (tăng 0,7 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 55,3 tỷ USD, giảm 3,9% và chiếm 47,2% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Nhưng giảm nhiều nhất và mạnh nhất là nhóm hàng tiêu dùng, ước tính chỉ đạt 7,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ.