6 tháng cuối năm: Áp lực lớn nhất là lạm phát!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định trên được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ với phóng viên trong ngày 18/6 tại TP.HCM về chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm.
6 tháng cuối năm: Áp lực lớn nhất là lạm phát!

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, những tháng đầu năm 2022, NHNN đã khẩn trương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao.

Theo chia sẻ của Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

NHNN điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các TCTD theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

NHNN cho biết, trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022 - 2023, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường...

Về chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, áp lực lớn nhất là lạm phát. Do đó, NHNN sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu mong muốn để ra.

Đồng thời, đảm bảo trưởng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do Covid-19 thời gian qua, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế.

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ.

Ngày 27/5/2022, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Tin bài liên quan