Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109.100 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cùng các chỉ tiêu như số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm… tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Trong khi đó, mảng bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục gặp khó sau hơn một năm khủng hoảng niềm tin.
Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm 10,5%, ước đạt 70.300 tỷ đồng.
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn từ đầu năm 2023, sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Trong khi trước đó, liên tiếp trong 10 năm, khối này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức hai con số mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, cũng trong 6 tháng, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.300 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795.500 tỷ đồng, tăng 9,3%. Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951.800 tỷ đồng, tăng 9,1%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.
Về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới, số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024 con số này đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ (chiếm 17,9% về thị phần), sau đó là Dai-ichi (15,3%), Prudential (14,6%)...
Tính đến hết tháng 4, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực giảm gần 13% so với đầu năm, xuống còn 12,15 triệu hợp đồng.
Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực “tìm đường” để cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn.