Ảnh minh họa: N.P.
Theo thống kê của các cơ sở khám chữa bệnh trong 6 ngày Tết (từ ngày 31/1 đến ngày 5/2), cả nước ghi nhận hơn 24.500 trường hợp khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm gần 9% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó có 1.556 trường hợp tử vong (ít hơn 26 ca so với cùng kỳ năm ngoái).
Tương tự số trường hợp khám, cấp cứu do đánh nhau cũng giảm với hơn 2.800 ca cấp cứu (chiếm 2% tổng số ca cấp cứu tại các bệnh viện trên toàn quốc), hơn 190 người tử vong.
Đáng chú ý, trong những ngày nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, số trường hợp phải nhập viện do tai nạn pháo nổ tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 316 trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ các loại (nhiều hơn 29 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), không có ca tử vong. Ngoài ra có 34 người khác phải cấp cứu do chất nổ khác.
Về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngoài dịch Covid-19, nước ta không ghi nhận các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học, các quốc gia thì dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, biến thể Omicron chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Trong nước, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron.