6 năm quên... Quỹ bảo vệ NĐT

6 năm quên... Quỹ bảo vệ NĐT

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa cho phép lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, nhưng trong lĩnh vực chứng khoán, chưa thấy động thái tương tự đối với Quỹ bảo vệ NĐT.

>> Sẽ có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 2014

>> Quỹ bảo vệ NĐT, 5 năm tồn tại trên... giấy 

>> Quỹ bảo vệ NĐT: Nỗi niềm của CTCK  

 

6 năm lãng quên

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 101/2013/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, dù cơ chế tương tự đã có từ lâu trong lĩnh vực ngân hàng. TTCK đang chờ Bộ Tài chính làm điều tương tự để bảo vệ NĐT, nhất là khi Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2007 đã quy định: CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Hơn nữa, ý tưởng thiết lập cơ chế bảo vệ NĐT đã được đề xuất cách đây hơn 3 năm, nhưng đến nay chưa thấy Bộ Tài chính có động thái hình thành cơ chế lập Quỹ bảo vệ NĐT.

Sự chậm trễ trên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) là khó chấp nhận, bởi xét cả ở khía cạnh mức độ sẵn sàng của cơ sở pháp lý, cũng như yêu cầu từ thực tiễn, việc khởi động cơ chế bảo vệ NĐT lẽ ra nên được tiến hành cách đây hơn 3 năm theo đề xuất của VAFI. Thực tế, từ hành vi vi phạm của nhân viên CTCK như lạm dụng tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của NĐT, hoặc CTCK mất khả năng thanh khoản, khiến NĐT mất tiền, chứng khoán, hiện không đòi lại được tài sản.

Điển hình là trường hợp NĐT Trần Thị Vượng mở tài khoản tại CTCK Trường Sơn (TSS) “bỗng dưng” trở thành con nợ tiền tỷ của TSS. Theo phản ánh của NĐT, nguyên nhân là do môi giới của TSS tự tiện sử dụng tài khoản của NĐT để thực hiện giao dịch. 2 năm trôi qua kể từ ngày TSS ngừng dịch vụ môi giới, khiến tài khoản của bà Vượng bị phong tỏa, đến nay TSS đang trong quá trình mở thủ tục chấm dứt hoạt động, nhưng tranh chấp giữa bà Vượng và TSS vẫn chưa được giải quyết.

“Hơn 2 năm qua, tiền có trong tài khoản nhưng không được rút, chứng khoán giảm giá nhưng không bán cắt lỗ được, khiến tôi bị thiệt hại nặng nề. Ai bồi thường cho tôi khi giá trị chứng khoán sụt giảm từ khoảng 9 tỷ đồng cách đây hơn 3 năm, nay còn khoảng 3,5 tỷ đồng?”, bà Vượng bức xúc nói.

CTCK Tràng An (TAS) cũng có những sai phạm, gây thiệt hại cho NĐT. Khi những sai phạm tại TAS bị cơ quan chức năng phát hiện, đến nay NĐT không biết tiền và chứng khoán của họ để tại TAS có được hoàn trả nguyên trạng hay không?

6 năm quên... Quỹ bảo vệ NĐT ảnh 1

Hơn 2 năm qua, tranh chấp tại TSS vẫn chưa được giải quyết

 

… một cơ chế ưu việt

Cách đây 6 năm, sự cần thiết của việc thiết lập công cụ pháp lý để bảo vệ NĐT đã được nhận diện khi Luật Chứng khoán yêu cầu CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT. Vậy nhưng, cơ chế này đã bị bỏ quên từ đó đến nay và không biết còn bị quên đến bao giờ?

Cách đây hơn 3 năm, khi Luật Chứng khoán được đưa ra sửa đổi, để cơ chế bảo vệ NĐT không bị lãng quên, VAFI đã cất công nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề xuất thành lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT. Thế nhưng, đề xuất này không nhận được phản hồi.

“Hơn 3 năm trôi qua kể từ khi đề xuất trên được gửi đi, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc. VAFI sẽ tiếp tục kiến nghị để sớm hình thành Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT, bởi đây đang là đòi hỏi bức thiết từ thực tế, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Hải nói và cho rằng, để thành lập được Công ty này trong vòng 3 năm nữa, ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính, UBCK cần xúc tiến tạo lập khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT.

Theo thông lệ quốc tế, lập Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT là để đền bù thiệt hại cho NĐT trong trường hợp tài sản của họ bị thiệt hại do CTCK giải thể, phá sản, hoặc nhân viên CTCK có hành vi sai phạm. Đây là loại hình DN tương tự như tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại. Các thành viên của Công ty Bảo vệ quyền lợi NĐT là các CTCK, phải có nghĩa vụ đóng góp vốn và phí hàng năm cho Công ty để hình thành Quỹ đền bù cho NĐT khi CTCK bị giải thể, phá sản, hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến gây thiệt hại tài sản của NĐT.